Từ 1/1/2022, vi phạm giao thông nhiều lần, lăng mạ người thi hành công vụ bị phạt 'kịch khung'

Minh Đức-Thứ tư, ngày 29/12/2021 16:34 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP, nếu người vi phạm có từ tình tiết tăng nặng như lăng mạ người thi hành công vụ, tái phạm nhiều lần sẽ bị phạt hành chính mức tối đa.

Ngày 23 tháng 12 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 01/01/2022..

Đồng thời Nghị định mới này cũng quy định việc xác định mức phạt tiền với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, được áp dụng theo nguyên tắc sau:

Khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.

Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó.

Trường hợp có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; Nếu có từ 2 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.

Luật xử lý vi phạm hành chính, các tình tiết giảm nhẹ gồm: Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;

Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính;

Vi phạm hành chính trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

Người vi phạm hành chính là phụ nữ mang thai, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình...

Các tình tiết tăng nặng gồm: Vi phạm hành chính có tổ chức; nhiều lần; tái phạm; Xúi giục, lôi kéo, sử dụng người chưa thành niên vi phạm; ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần thực hiện hành vi vi phạm hành chính; Lăng mạ, phỉ báng người đang thi hành công vụ; Vi phạm hành chính có tính chất côn đồ...

Ngoài nội dung trên, Nghị định 118/2021/NĐ-CP còn nêu rõ, biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính.

Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính;

Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm... và xác định tình tiết liên quan thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 3 ngày làm việc;

Với vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, cảng biển, nhà ga...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước