Tự chủ đại học là con đường tất yếu

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 04/08/2022 19:36 GMT+7

VTV.vn - Tự chủ đại học tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy các trường đầu tư vào điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo.

Thời điểm này, các thí sinh đang vất vả để cân nhắc, lựa chọn ngành đào tạo, trường đào tạo phù hợp nhất. Ở chiều ngược lại, các trường đại học cũng đang phải nỗ lực làm sao để thu hút được sinh viên, nhất là sinh viên giỏi vào học tập tại trường. Những trường đại học tự chủ sẽ làm việc này tốt hơn. Tự chủ đại học là con đường tất yếu mà các trường phải đi. Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tự chủ đại học diễn ra sáng nay (4/8) ở Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Tự chủ đại học là chặng đường đổi mới rất dài với nhiều gian nan và khó khăn vẫn còn ở phía trước. Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh kết quả giáo dục đại học có nhiều chuyển biến tốt hơn. Vì vậy, đây là con đường một chiều, không thể quay lại được, chỉ có thống nhất hành động để tháo gỡ khó khăn.

Tham dự Hội nghị ngày hôm nay có hơn 900 đại diện đến từ các trường đại học trên cả nước. Nhiều lợi ích khi tự chủ đại học đã được chỉ ra, những kinh nghiệm từ những mô hình đang áp dụng tự chủ đã được chia sẻ.

Tự chủ đại học là con đường tất yếu - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, không để công tác kiểm định là nút thắt trong thực hiện tự chủ đại học. (Ảnh: VGP)

Đại học Kinh tế quốc dân hiện tự chủ trong hầu hết lĩnh vực. Trường được mở thêm nhiều ngành mới đáp ứng yêu cầu của xã hội. Sinh viên được đầu tư nhiều hơn, chuẩn đầu ra cao, nên 95% có việc làm khi tốt nghiệp. Hàng trăm giảng viên được cử đi nước ngoài đào tạo mỗi năm bằng chính ngân sách của trường. Thu nhập của giảng viên, cán bộ tăng mạnh so với trước.

Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng thực hiện tự chủ từ rất sớm. Nhờ vậy, phát huy được việc hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác quốc tế.

Hiện nay, đã có 142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ. Tự chủ về bộ máy và quản trị. Tự chủ về tài chính, tài sản. Tự chủ về tuyển sinh. Tự chủ về mở ngành đào tạo và liên kết đào tạo với nước ngoài. Nhờ vậy:

- Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ tăng từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021.

- Về tài chính, đến thời điểm hiện tại 32.76% trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

- Giảng viên thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97%.

Tự chủ đại học tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy các trường đầu tư vào điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút sinh viên giỏi; hướng tới thực chất và phát triển bền vững.

Có thể thấy, tự chủ đại học đã đem lại những kết quả đáng khích lệ đối với hệ thống giáo dục đại học nói chung và các cơ sở giáo dục đại học công lập nói riêng. Trọng tâm hưởng lợi là giảng viên, sinh viên, nhà tuyển dụng. Thế nhưng, để thực hiện tự chủ đại học vẫn còn nhiều cái khó.

Trường Đại học Cần Thơ lúc trước chưa muốn tự chủ. Nhưng là trường đa ngành, đông sinh viên, lại ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khả năng chi trả của người dân còn thấp nên trường không tự chủ. Nhưng từ 2 năm nay, trường không còn được nhận chi phí thường xuyên nữa. Trường đã được xếp vào nhóm bắt đầu thực hiện một số quyền trong các quy định về tự chủ của nhà nước. Bắt tay vào làm, nhà trường thấy một số khó khăn.

Hiện tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học của Việt Nam là 0,27% GDP. Con số này thấp hơn các nước, khi mức chi ít nhất là 1% GDP. Cái khó là tất yếu. Bởi nhà nước có nhiều lĩnh vực phải đầu tư. Nhưng như các phát biểu tại hội nghị: Tự chủ đại học là con đường duy nhất, không có lựa chọn nào khác. Vì thế, cái khó đầu tiên cần thay đổi chính là quan niệm, suy nghĩ của các nhà trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước