Tăng học phí: "Con dao 2 lưỡi" với tự chủ đại học

Thiên Lý, Thanh Hải-Thứ tư, ngày 17/06/2020 14:45 GMT+7

VTV.vn - Tăng được về cơ sở vật chất, thu nhập cho giảng viên nhưng số học viên đăng ký có thể ít và còn nhiều áp lực, khó khăn và vướng mắc cho các trường đại học tự chủ.

Bất cập tự chủ đại học

Mới đây, nhiều trường đại học thông báo tăng học phí, trong đó có những trường mức tăng đột ngột cao gấp 3 - 5 lần. Bộ GD&ĐT và các cơ quan chủ quản, đã phải yêu cầu các trường báo cáo, đặc biệt một số trường thuộc nhóm ngành y khoa.

Nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng tăng học phí đột ngột có thể dẫn đến việc ít người có khả năng đáp ứng được mức học phí này. Ngược lại, cũng nhiều ý kiến cho rằng: việc tăng học phí là đòi hỏi tất yếu trong bối cảnh các trường đại học công lập thực hiện tự chủ, chịu áp lực cạnh tranh rất cao, họ cần nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất và thu hút giữ chân nhân lực chất lượng cao.

Phòng thực hành mô phỏng phản ứng của nhịp tim, huyết áp giống người thật đến hơn 90%, vừa được Đại học Y Dược TP.HCM đầu tư cho các sinh viên thực hành. Mô hình thực hành này là đòi hỏi bắt buộc với sinh viên y khoa và cả những y bác sĩ chất lượng cao. Thế nhưng, để trung tâm này hoạt động tốt, mỗi năm trường phải đầu tư hàng tỷ đồng.

Đây là một trong những lý do trường đưa ra khi tăng học phí vào năm học tới cho lứa sinh viên mới. Từ mức 13 triệu đồng/năm tất cả các ngành, nay sẽ điều chỉnh lên từ 30 - 70 triệu đồng, tùy ngành.

Không chỉ trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhiều trường ĐH khác cũng có mức học phí tăng nhiều so với trước đây. Đáng chú ý là ngành Răng hàm mặt của trường ĐH Quốc gia TP.HCM có mức học phí cao nhất, lên tới 88 triệu đồng/năm. Trường ĐH Y dược Cần Thơ là 24,6 triệu đồng/năm. Đại học Công nghệ thông tin từ 20 - 40 triệu đồng/năm.

Tăng học phí: Con dao 2 lưỡi với tự chủ đại học - Ảnh 1.

Để đầu tư cơ sở vật chất, các trường đại học tự chủ buộc phải tăng học phí.

Theo các trường đại học đang thực hiện tự chủ, hiện nay học phí thấp không phải là yếu tố chính, chất lượng đào tạo mới là yếu tố quan trọng nhất để người học chọn trường.

Việc tăng học phí phải đi đôi với việc nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên và cơ sơ vật chất. Vì nếu tăng học phí mà không tương xứng với nâng chất lượng đào tạo thì chính các trường đại học sẽ rơi vào cái bẫy do mình tạo ra.

Khi tăng học phí sẽ có ít người đăng ký vào trường. Điểm đầu vào chắc chắn sẽ giảm và chất lượng đầu ra cũng sẽ giảm theo, cuối cùng sẽ "chết" vì không tuyển sinh được. Ngoài ra, chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất phải tương đương mức học phí, nếu không, học phí sẽ trở thành ngọn gió, luồng sóng quật ngã con tàu.

Theo các chuyên gia, việc học phí đột ngột tăng cao tại một số trường đại học tự chủ có thể gây sốc với không ít người nhưng việc tăng học phí là đòi hỏi tất yếu để đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo tương xứng.

Quy định pháp luật về tự chủ Đại học

Bản chất của việc tăng học phí của một số trường đại học là để thực hiện cơ chế tự chủ. Theo Nghị định số 86 năm 2015, các trường Đại học thực hiện thí điểm tự chủ, Nhà nước sẽ quy định mức học phí cho mỗi trường.

Mới nhất, theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi và nghị định hướng dẫn, có hiệu lực từ tháng 7/2019, các cơ sở giáo dục ĐH công lập sẽ thực hiện thu học phí theo điều 65 của luật. Các trường tự chủ tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên sẽ được tự xác định mức thu học phí trên cở sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.

Nguy cơ "chảy máu chất xám" tại các trường đại học

Mặc dù Luật đã có nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều bất cập khi các trường thực hiện tự chủ. Như câu chuyện của ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM khi đã thực hiện cơ chế tự chủ từ 3 năm nhưng lại không được tăng học phí. Điều này đã khiến cho trường rất khó khăn trong việc trang trải chi phí, đầu tư vào chất lượng đào tạo và giữ được giảng viên giỏi. Thu không đủ bù chi, trường đứng trước nguy cơ chảy máu chất xám.

Theo ban giám hiệu nhà trường, dù Nghị định 86 năm 2015 cho phép các trường đại học tự chủ được áp dụng mức chi thường xuyên và chi đầu tư nhưng Sở Tài chính TP.HCM vẫn chỉ duyệt cho trường chi thường xuyên. theo quy định cũ tại Nghị định 43 (năm 2006).

Chưa được chấp thuận tăng học phí, bị cắt các khoản hạch toán chi đầu tư, trường đứng trước áp lực rất khó khăn do mô hình tự chủ nửa vời.

Hiện nay, có một làn sóng nhân lực chất lượng cao tại các trường đại học công lập chuyển sang đầu quân tại các trường ngoài công lập. Lý do phổ biến là có sự khác biệt lớn nhất là môi trường làm việc và mức thu nhập hưởng theo sự đóng góp tương xứng.

Hiện nay, việc thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao còn khó hơn gấp bội ở những ngành công nghệ cao, mới mẻ như trí tuệ nhân tạo A.I.

Theo Hiệp hội các trường đại học, việc chảy máu chất xám ở trường công chưa được tự chủ hoặc ở các trường tự chủ nhưng nửa vời, rất đang lo ngại.

Chỉ riêng TP.HCM, ước tính trong 5 năm qua, đã có hàng trăm giảng viên đầu ngành, cán bộ quản lý tại các trường trong khối Đại học Quốc gia TP.HCM và nhiều trường đại học công lập đã chuyển sang làm việc tại các trường ngoài công lập.

Tăng học phí: Con dao 2 lưỡi với tự chủ đại học - Ảnh 2.

Trường Đại học Y dược TP.HCM là một trong những trường có mức học phí tăng cao

Nhiều vướng mắc bó buộc các trường đại học tự chủ

Bị khống chế về mức thu học phí lại đứng trước áp lực cạnh tranh, các trường công lập không chỉ xoay sở để giữ chân nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, đây chưa phải là khó khăn duy nhất. Áp lực cho các trường tự chủ còn nằm ở việc bị bó buộc nhiều vấn đề ngoài chuyên môn. Đó là thủ tục đầu tư mua sắm thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và phát triển bị bó buộc và vướng mắc.

ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có hơn 20.000 sinh viên nhưng chỉ có khoảng 2.000 chỗ ở ký túc xá cho sinh viên tỉnh xa trọ học. Nhiều sinh viên mong muốn có chỗ ở nhưng đợi trường xây ký túc xá nhưng mấy năm trôi qua, khu đất trống vẫn chỉ là bãi cỏ.

Nhà trường cho biết đã dành ra khu đất này để xây dựng khu ký túc xá chất lượng cao cho sinh viên nhưng đã 5 năm từ khi làm thủ tục xin cơ quan chủ quản và Bộ GD&ĐT đến nay vẫn chưa được duyệt để khởi công, vì thế, khu đất đành bỏ hoang.

Dù đã thực hiện tự chủ mấy năm qua nhưng trường vẫn gặp khó khăn khi muốn thực hiện thủ tục xây dựng hay đầu tư cơ sở vật chất. Đây cũng là câu chuyện chung của không ít trường đai học tự chủ như ĐH công nghiệp, ĐH Kinh tế TP.HCM khi cần đầu tư, mua sắm thiết bị hiện đại cho các ngành khoa học thực hành hoặc ngành công nghệ cao như A.I hoặc mô hình thực tế ảo. Theo các trường, khó khăn là do các quy định pháp luật khác chưa theo kịp quy định mới về tự chủ ở trường đại học.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, hiện các trường thực hiện tự chủ bị vướng bởi các quy định như luật Đấu thầu, luật Quản lý tài sản công, Luật Xây dựng.

Theo nhiều trường đại học, khi các trường đã thực hiện tự chủ, ngoài việc không nên can thiệp vấn đề tăng học phí thì việc quan trọng nhất là cần tháo gỡ vướng mắc để các trường chủ động đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại với thủ tục nhanh nhất mới có thể nâng cao chất lượng đào tạo.

Nếu một trường ĐH vừa bị khó khăn về kinh phí, vừa bị khó khăn về cơ chế thì rất khó để duy trì chứ chưa nói gì phát triển. Đặc biệt, các mục tiêu và sứ mệnh quan trọng của từng ngôi trường sẽ không thể đạt được khi chất lượng dần đi xuống, khi mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Trong bối cảnh các trường tư thục rất năng động, các trường quốc tế đầu tư vào Việt Nam, nếu không tự chủ hiệu quả sẽ mất đi vai trò của trường công, vốn đóng vai trò chính trong nền giáo dục và đào tạo.

Học phí đại học tăng lên gần 90 triệu đồng/năm, nhiều sinh viên 'chóng mặt' Học phí đại học tăng lên gần 90 triệu đồng/năm, nhiều sinh viên "chóng mặt"

VTV.vn - Học phí nhiều trường đại học công lập năm học mới sẽ tăng mạnh so với trước, có khi lên tới con số gần 90 triệu đồng/năm khiến nhiều phụ huynh, sinh viên bất ngờ, lo ngại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước