Từ chuyện phong tục “kéo vợ” bị biến tướng đến những hủ tục cần loại bỏ trong đồng bào vùng cao

Giang Châu-Thứ năm, ngày 17/02/2022 09:16 GMT+7

VTV.vn - Tục bắt vợ ban đầu là nét đẹp truyền thống của đồng bào người Mông nhưng do sự thiếu hiểu biết, phong tục này đã bị các nam thanh niên biến tướng và tạo ra hình ảnh xấu.

Thời gian qua, trên mạng xã hội lan truyền một video 1 cô gái ở Sapa bị nhóm thanh niên đòi "bắt về làm vợ”, dù ra sức kháng cự nhưng vẫn bị đưa lên xe ô tô. Được biết, cô gái này 16 tuổi còn nam thanh niên 20 tuổi, khi đi chơi xuân thấy cô gái xinh xắn nên bắt về làm vợ chứ cả 2 chưa có quan hệ yêu đương. Gia đình bạn nữ đã sang nhà trai đưa con gái về.

Câu chuyện của cô gái 16 tuổi ở Sapa không phải là duy nhất, câu chuyện em Vàng Thị Sính (14 tuổi) cũng tương tự. Vàng Thị Sính bị em Giàng Mí Chơ (16 tuổi) kéo về làm vợ diễn ra tại huyện Mèo Vạc, Hà Giang. 2 em mới quen biết và có rủ nhau đi chơi xuân, thế nhưng bất ngờ bạn nam ngỏ lời yêu đương và lôi kéo bạn nữ về làm vợ trước sự chứng kiến của rất nhiều người. Sự việc gây nhiều bức xúc vì các em đều trong độ tuổi thiếu niên.

Trò chuyện với phóng viên của Chuyển động 24h, với những vết xước vẫn còn trên tay, Sính ngần ngại chia sẻ về chuyện đã xảy ra: "Nó bảo là đi chơi thôi xong nó kéo…".

Từ chuyện phong tục “kéo vợ” bị biến tướng đến những hủ tục cần loại bỏ trong đồng bào vùng cao - Ảnh 1.

Vàng Thị Sính trong cuộc trò chuyện với phóng viên Chuyển động 24h.

Vàng Thị Sính và Giàng Mí Chơ quen biết nhau qua Zalo. Giàng Mí Chơ đến tận nhà để đón Sính đi chơi. Thế nhưng việc bị kéo về làm vợ, dẫn đến xô xát, giằng xé giữa nơi đông người nằm ngoài dự tính của em. Bởi 2 người chỉ mới nhắn tin được vài hôm, khi bạn nam ngỏ lời yêu đương thì em chưa đồng ý.

Ông Vàng Mí Chía - phụ huynh của em Vàng Thị Sính - nói: "Cháu về nhà cháu kể cho bố mẹ là cháu chưa muốn lấy chồng. Cháu không thích nên bị kéo thế cháu cũng sợ, nếu cháu thích cháu tự đi".

Từ chuyện phong tục “kéo vợ” bị biến tướng đến những hủ tục cần loại bỏ trong đồng bào vùng cao - Ảnh 2.

Vụ việc gây xôn xao giữa Vàng Thị Sính và Giàng Mí Chơ.

Nói về sự việc đã xảy ra, ông Lý Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Pải Lủng, Mèo Vạc, Hà Giang - cho biết: "Thường thường những cặp bắt nhau cũng phải quen biết nhau từ trước rồi, mang tính tự nguyện, còn cái bắt chỉ mang thủ tục hình thức thôi. Hiện nay, các thanh niên nhận thức chưa đầy đủ nên còn xảy ra xô xát. Cứ nghĩ là quen nhau trước qua điện thoại thì có thể kéo vợ được. Tuy nhiên là bạn gái này cũng xác định được, ý thức rất là tốt vì xác định mình còn tuổi rất là nhỏ nên là bạn ấy cũng có những phản kháng. Cũng may anh em lực lượng có mặt kịp thời để hỗ trợ cho bé gái".

Bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Hà Giang: "Tục kéo vợ là 1 trong những tục thể hiện giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào người Mông từ xa xưa, thể hiện tình yêu đôi lứa mãnh liệt của những đôi nam nữ khi đủ tuổi kết hôn thì họ đã có sự tìm hiểu trước đó. Khi được gia đình 2 bên đồng ý thì người nam đi kéo vợ như là dắt vợ về. Do nhận thức của 1 số giới trẻ còn chưa đầy đủ nên là thực hiện 1 cách biến tấu đi. Bởi vì người Mông hiện tại vẫn giữ tục đó, tuy nhiên nữ phải đủ 18 tuổi, nam phải đủ 20 tuổi, và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, có sự chứng kiến của họ hàng, bạn bè. Thì đấy là những cái chúng ta nên giữ".

Như vậy, tục bắt vợ ban đầu là nét đẹp truyền thống của đồng bào người Mông. Những đôi trai gái khi đã yêu đương, tìm hiểu và được sự đồng ý của gia đình, chàng trai đi bắt và cô gái sẽ "giả vờ" chống cự nhưng cuối cùng sẽ bằng lòng theo về nhà trai. Thế nhưng, do sự thiếu hiểu biết nên phong tục này đã bị các nam thanh niên biến tướng và tạo ra hình ảnh xấu trong đồng bào dân tộc vùng cao.

Bên cạnh các phong tục bị biến tướng, tại vùng cao còn tồn tại cả những hủ tục lạc hậu cần loại bỏ. Trong tiêu điểm với chủ đề Bài trừ hủ tục lạc hậu trong đồng bào vùng cao của Chuyển động 24h hôm nay (17/2), khán giả đã được hiểu rõ hơn về những phong tục này.

Xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong tang ma của người dân tộc thiểu số Xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong tang ma của người dân tộc thiểu số

VTV.vn - Hệ lụy sau mỗi đám tang theo truyền thống của người Mông là những món nợ lớn về kinh tế hoặc lây lan mầm bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước