Từ đêm 13/10, Bắc Bộ mưa to, nhiệt độ giảm do ảnh hưởng bão số 8 và không khí lạnh

PV-Thứ tư, ngày 13/10/2021 11:41 GMT+7

Không khí lạnh kết hợp hoàn lưu bão gây mưa ở miền Bắc. (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tại ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam.

Dự báo, đêm 13/10 và ngày 14/10, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến khu vực Tây Bắc Bộ và một số nơi ở Bắc Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của bão số 8 nên từ chiều 13/10 đến ngày 15/10, khu vực Bắc Bộ và Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-150 mm/đợt, có nơi trên 200 mm/đợt. Từ chiều 13/10 đến đêm 15/10, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-300 mm/đợt, có nơi trên 350 mm/đợt; đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ đêm 13/10 đến ngày 15/10, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển lạnh, vùng núi phía Bắc có nơi trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19-22 độ C, vùng núi có nơi dưới 18 độ C.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 16-19 độ Vĩ Bắc kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trong ngày và đêm 13/10, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 30-60 mm, có nơi trên 90 mm (thời gian mưa lớn tập trung vào chiều và đêm), trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. Mức độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá là cấp 1

Theo các chuyên gia, hiện tượng trượt lở đất thường xảy ra nhiều ở các sườn đồi, núi dốc, đường giao thông, hệ thống đê đập, các bờ mỏ khai thác khoáng sản, các hố đào xây dựng công trình... Đây là loại hình tai biến thường có quy mô từ trung bình tới lớn, phạm vi phát triển rộng, diễn biến từ rất chậm (2- 5cm/năm) gây chủ quan cho con người, tới cực nhanh (lớn hơn 3m/s) làm cho con người không đối phó kịp. Đất, đá trượt lở từ vài chục vạn m3 tới 1 - 2 triệu m3, trườn đi xa tới 0,5 - 1 km, đủ lớn để chặn dòng sông suối, dòng nước, tạo nên lũ quét nghẽn dòng, đặc biệt nguy hiểm cho các cụm dân cư ở hạ du.

Trên biển, từ trưa 13/10 đến ngày 14/10, do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh tăng cường với bão số 8 nên Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 3-5m, biển động rất mạnh. Từ đêm 14/10, Vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao từ 1,5-3 m. Khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động, sóng biển cao từ 2-4 m.

Từ chiều 13/10 đến ngày 15/10, Hà Nội có mưa vừa, mưa to. Từ đêm 13/10 đến ngày 15/10, trời lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20-22 độ C. Từ ngày 16/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, khu vực Trung Bộ tiếp tục có khả năng xảy ra mưa to đến rất to.

Hồi 10 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Bắc, cách Thanh Hóa khoảng 700km, cách Nghệ An khoảng 710km, cách Hà Tĩnh khoảng 640km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 350km tính từ tâm bão.

dbqg_xtnd_20211013_1100

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25-30km, đi vào vùng biển phía Nam Vịnh Bắc Bộ và có khả năng suy yếu dần về cường độ. Đến 10 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau là một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24-48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây Kinh Tuyến 109,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước