Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Dự báo trong khoảng từ nay đến hết năm, còn khoảng từ 7 - 9 xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và có từ 3 - 4 xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Theo nhận định, mùa mưa lũ ở miền Bắc sẽ tập trung trong khoảng từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10, lượng mưa sẽ lớn hơn trung bình nhiều năm từ 10-25%. Đỉnh lũ các sông Bắc Bộ khoảng báo động 1, đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc.
Ở miền Trung các đợt mưa lớn sẽ xảy ra tập trung trong các tháng 10, tháng 11 và nửa đầu tháng 12/2021, ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ.
Như vậy mùa lũ ở khu vực Trung Bộ cũng đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm, đỉnh lũ năm 2021 tại hạ lưu các sông chính ở Bắc Trung Bộ phổ biến ở mức báo động 1 - báo động 2 và trên báo động 2; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 - báo động 3, có nơi trên báo động 3. Đặc biệt các tỉnh từ Quảng Bình đến đến Khánh Hòa những nơi được dự báo trọng tâm mưa lớn sẽ là những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Bão, lũ là những loại hình thiên tai phải sơ tán dân. Địa điểm sơ tán thường là trường học, nơi sinh hoạt cộng đồng. Việc tập trung đông người có thể khiến gia tăng nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Trước tình hình này, Việt Nam đã chuẩn bị một số phương án để đối mặt với thách thức kép.
Bên cạnh 5K, phương châm 4 tại chỗ một lần nữa được đề cao và nhấn mạnh trong công tác phòng chống thiên tai thời điểm dịch bệnh. Đặc biệt về yếu tố lực lượng tại chỗ.
63 tỉnh thành, 20 quận huyện dễ bị tổn thương và 123 điểm cầu của các đơn vị chuyên sâu đã cùng kết nối để cụ thể hóa phương án về lực lượng và cơ sở hạ tầng trong việc sơ tán dân, cứu hộ cứu nạn trong bối cảnh thách thức kép. Dù còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương đều quyết tâm chuẩn bị trước tình huống này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!