Trong suốt một thời gian dài quản lý hành chính, sổ hộ khẩu giấy được coi là giấy tờ bắt buộc phải có trong một số thủ tục như đăng ký kết hôn, làm giấy khai sinh, hay sử dụng trong các giao dịch như chuyển nhượng quyền sử dụng đất, làm sổ đỏ, sổ hồng…
Từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sẽ chính thức không còn giá trị sử dụng. Các cơ quan chức năng đã thống nhất quản lý thông tin công dân bằng dữ liệu điện tử trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được tích hợp trên căn cước công dân gắn chip.
Mỗi lần làm thủ tục nhà đất, sang nhượng hay làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là mỗi lần ông Tuấn Anh đều phải mang hộ khẩu đi photo công chứng ra rất nhiều bản. Nhưng bây giờ, thủ tục này đã bớt phiền phức rất nhiều khi các thông tin sổ hộ khẩu của ông đã được tích hợp vào căn cước có gắn chip… Đây là cơ sở để ông thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai mà không cần đến sổ hộ khẩu giấy nữa.
Nhiều năm qua, hộ khẩu giấy là tài liệu không thể thiếu khi thực hiện các thủ tục như xác định việc sử dụng đất; xác nhận nguồn thu nhập ổn định từ đất, tài sản trên đất; đăng ký biến động khi hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng; thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận như sang tên, chuyển nhượng, cho tặng… Còn từ ngày 1/1/2023, người dân chỉ cần căn cước gắn chip là có thể thực hiện những giao dịch này.
TP Hà Nội hiện đã cấp trên 6,2 triệu căn cước gắn chíp cho công dân đủ điều kiện. Tới nay, đã có 73 triệu căn cước gắn chip đã được cấp cho người dân trên cả nước. Khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, người dân và các cơ quan chức năng ngoài việc dùng căn cước gắn chip, cũng có nhiều cách khác để tra cứu thông tin và thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới đất đai như sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ Căn cước gắn chip; tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Sử dụng ứng dụng app VNeID hoặc giấy xác nhận thông tin về cư trú.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!