Tử thần rình rập ở làng nuôi rắn độc

Hoàng Minh Toàn-Thứ tư, ngày 31/08/2022 16:39 GMT+7

Các loại rắn cực độc như hổ mang, hổ mang chúa, hổ trâu được nuôi phổ biến tại Vĩnh Sơn. (Ảnh: Minh Toàn)

VTV.vn - Với lợi nhuận "khủng" từ những trại rắn hổ mang, dân làng Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc phải chấp nhận đối mặt với "tử thần" mỗi ngày.


VIDEO: Minh Toàn

Khi rắn độc xổng chuồng

Vĩnh Sơn là một trong số ít những làng trên cả nước được cấp phép nuôi các loài rắn như: hổ mang, hổ trâu và hổ chúa. Bởi lẽ đây là đều là những động vật cực độc, chỉ một sơ suất nhỏ, hậu quả để lại là vô cùng khó lường. Lượng nọc độc được tiết ra từ một cú cắn của một trong 3 loài trên hoàn toàn có thể hạ gục một người trưởng thành trong 30 phút nếu không được sơ cứu kịp thời.

Tử thần rình rập ở làng nuôi rắn độc - Ảnh 2.

Rắn có thể thoát ra bất cứ lúc nào. (Ảnh: Minh Toàn)

Nguy hiểm là vậy, thế nhưng với những hộ chăn nuôi tại đây, loài bò sát này còn quen mặt hơn cả những loài gia súc, gia cầm như gà, vịt, lợn…Bởi lẽ, đối với người dân ở đây, rắn là cả "gia tài" nên việc họ dành nhiều thời gian cho chúng cũng là lẽ tất yếu. Có thể nói, người làng Vĩnh Sơn đang làm bạn, chăm sóc và thu lợi từ loài bò sát "tử thần".

"Nguy hiểm luôn tồn tại và hiện hữu mọi lúc, mọi nơi ở xã Vĩnh Sơn này. Vì đã có thời điểm, rắn từ các chuồng trại nuôi trong làng Vĩnh Sơn đã bị xổng chuồng, bò ra ngoài đồng, ngoài đường khiến người dân ở các xã bên một phen khiếp vía", một người dân ở xã Vĩnh Sơn kể lại.

Theo quan sát, hệ thống chuồng trại và trang thiết bị bảo đảm an toàn còn khá thô sơ, khiến chúng tôi khi lần đầu chứng kiến không khỏi cảm thấy rung mình. Hang rắn được ốp bằng 5 đến 8 đường gạch chỉ thành dạng hình hộp chữ nhật. Cửa hang được đặt phía trước được làm bằng các nẹp gỗ, kèm theo lưới thép có lỗ nhỏ hơn đầu rắn, phía trên có các khoá an toàn. Bên dưới có máng hốt đựng chất thải và xác rắn. Với thiết kế như vậy, rắn hoàn toàn có thể thoát ra ngoài nếu như khoá an toàn không được khoá chắc chắn.

Tay kẹp kéo dài được dùng mỗi khi cho rắn ăn hoặc dọn xác rắn đều là những sản phẩm tự chế của người dân. Tay kẹp bao gồm 1 bộ phanh tay xe đạp, một tay cầm bằng inox và một đầu kẹp. Độ an toàn của những tay kẹp này hoàn toàn chưa được kiểm chứng. Ngược lại, đây cũng là một trong số những vật dụng "hỗ trợ" cho rắn trong quá trình thoát ra ngoài. Bà Nguyễn Thị Liễu (58 tuổi, làm ruộng) chia sẻ: "Có lần tôi cho rắn ăn rồi vô ý bỏ quên cái kẹp ở cửa chuồng, nó trườn theo cái tay cầm rồi bò ra, may mà tôi phát hiện kịp và nhốt lại vào trong chuồng".

Tử thần rình rập ở làng nuôi rắn độc - Ảnh 3.

Nhiều cá thể rắn vô cùng hung tợn, chúng có thể tấn công người nuôi bất cứ khi nào có cơ hội. (Ảnh: Minh Toàn)

Ngoài ra, đồ bảo hộ của các hộ chăn nuôi ở đây cũng rất sơ sài. Găng tay, khẩu trang và kính mắt … gần như chỉ được sử dụng mỗi khi dọn ổ rắn. Găng tay được dùng khi bắt rắn, kính mắt được dùng trong quá trình thăm ổ để tránh nọc độc bắn trực tiếp vào mắt. Thế nhưng hầu như những hộ chăn nuôi ở đây, đều không sử dụng các thiết bị bảo hộ này khi tham gia chăm sóc rắn. Phần nhiều xuất phát từ tâm lý chủ quan của người dân. Bà Liễu nói: "Cẩn thận là được mà". Điều này vô hình chung khiến cho những tai nạn do rắn ngày càng tăng cao tại Vĩnh Sơn.

Chưa kể, đối với trẻ em ở làng, việc rắn xuất hiện ở mọi nơi và tâm lý chủ quan của những hộ chăn nuôi vô hình chung tạo nên rủi ro cực kỳ lớn với trẻ em tại đây. Nọc độc có thể hạ gục một người trưởng thành trong 30 phút. Thời gian này ở trẻ em có thể thấp hơn rất nhiều. Thậm chí, với sự thiếu hiểu biết của mình về cách ứng phó với rắn độc, nguy cơ trẻ em tại làng bị rắn cắn là rất cao.

Nhiều cái chết thương tâm vì rắn độc

Khi làn sóng COVID-19 quét qua Vĩnh Sơn, khi khẩu trang là vật dụng không thể thiếu khi ra ngoài, người làng rắn đùa vui với nhau rằng: "Không cần nhìn mặt, chỉ cần nhìn tay là biết ai là người làng". Quả thực, đôi bàn tay của những người nuôi rắn ở Vĩnh Sơn thật lạ. Cứ 10 người thì có tới 6 người bị cụt một phần ngón tay hoặc cả ngón tay, thậm chí là cả bàn tay. Điều này xuất phát từ chính loài rắn mà họ đang thu lợi mỗi ngày. Chỉ một sơ suất nhỏ khi chăm sóc rắn, người dân hoàn toàn có thể bị rắn cắn và nếu không được sơ cứu đúng cách hoàn toàn có thể phải cắt đi phần bị cắn.

Tử thần rình rập ở làng nuôi rắn độc - Ảnh 4.

Bị cụt một phần ngón tay hay một ngón tay là câu chuyện bình thường tại làng Vĩnh Sơn. (Ảnh: Minh Toàn)

Bà Nguyễn Thị Lan (60 tuổi, làm ruộng) chia sẻ: "Trong 1 lần cho rắn ăn, tôi bất cẩn để mở cửa hang cửa trong khi chưa gắp kịp đĩa thức ăn đưa vào. Tôi quay lên thì rắn đã ở sát tay gắp đĩa thức ăn. Tôi không kịp phản ứng, vì vậy rắn bổ luôn cho tôi một nhát". Rất may mắn rằng trong nhà bà Lan có thuốc sơ cứu và được đưa đi cấp cứu kịp thời. Cú cắn không lấy đi tính mạng của bà Lan nhưng đã cướp đi vĩnh viễn ngón tay trỏ của bà thậm chí còn làm đảo lộn cuộc sống của bà Lan. Do ám ảnh từ việc bị rắn cắn, bà Lan không thể tiếp tục chăn nuôi rắn và phải chuyển hẳn qua làm nông. Cánh tay nơi từng bị rắn cắn trở nên đau nhức mỗi khi trái gió trở trời và không thể mang vác vật nặng được nữa.

Tuy nhiên, bà Lan vẫn là một trong số những người may mắn khi không phải bỏ đi cả bản tay hoặc bàn chân, thậm chí là cả mạng sống. Bà Liễu rùng mình kể lại câu chuyện rắn cắn người tử vong: "Ông T.V.A ở xóm trên vừa mở cửa ra để cho rắn ăn thì một con rắn đã xổng ra từ lúc nào lao đến bổ một nhát vào ngực ông. Ông A đổ như cây chuối. Gia đình đã đưa đi cấp cứu nhưng không kịp".

Theo như người dân trong làng cho hay, từ trước đến nay đã có hơn 40 người chết vì bị rắn cắn. Còn theo thống kê của xã, chỉ riêng trong vòng vài năm trở lại đây đã có khoảng 10 người chết vì rắn. Con số này hoàn toàn có thể tăng lên trong tương lai khi mà người dân vẫn còn giữ tâm lý chủ quan và đồ bảo hộ cho các hộ chăn nuôi chưa được cải thiện.

Tử thần rình rập ở làng nuôi rắn độc - Ảnh 5.

Ủng luôn là vật dụng không thể thiếu của mỗi người dân Vĩnh Sơn khi ra đường để đảm bảo an toàn cho bản thân khi gặp rắn ở ngoài. (Ảnh: Minh Toàn)

Trước những nguy hiểm luôn rình rập xung quanh mình, rắn xuất hiện từ trong trại đến ngoài đường làng ngõ xóm, người dân làng Vĩnh Sơn cũng có những sự phòng bị cần thiết để bảo vệ bản thân. Bà Liễu nói: "Ở đây gặp rắn ở ngoài đường hay ở ngoài đồng là chuyện bình thường. Chúng tôi ra khỏi nhà hay đi làm đồng đều phải đeo ủng để bảo vệ bản thân. Còn khi ra ngoài buổi tối thì không thể thiếu đèn pin và ủng cao".

Bất chấp những nguy hiểm luôn hiện hữu xung quanh, người dân làng Vĩnh Sơn vẫn mạo hiểm "đánh cược" tính mạng vào loại rắn này. Lý do là bởi hiệu quả kinh tế mà loài này mang lại là quá lớn. Vì vậy cần có những biện pháp đảm bảo an toàn cần thiết cho những hộ chăn nuôi rắn tại đây.

Làng tỷ phú từ nghề nuôi rắn độc Làng tỷ phú từ nghề nuôi rắn độc

VTV.vn - Hàng chục năm qua, người dân xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) bất chất nguy hiểm, "đánh cược" tính mạng để nuôi bán rắn hổ mang để nuôi bán.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước