Đặc biệt tại Hà Nội, nhiều công trình đang được thi công trên các trục đường chính nên nếu không có sự sắp xếp, tổ chức lại giao thông tại các khu vực này, tình hình ùn tắc sẽ ngày càng nghiêm trọng.
Đơn cử như trục Cầu Giấy, Xuân Thủy, diện tích mặt đường đã bị thu hẹp lại 1 nửa để phục vụ thi công đường sắt trên cao. Tuy nhiên, có nhiều đoạn đã rào chắn suốt 2 tháng nay nhưng lại không hề được thi công.
Giờ cao điểm buổi sáng, đường Nguyễn Trãi, chiều Hà Đông đi vào trung tâm nội thành, người và xe nhích từng tí một. Thời gian gần đây các đơn vị thi công bắt đầu xây rào chắn đường dẫn vào hầm đường bộ qua ngã tư Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, nên diện tích mặt đường cho xe cộ đi lại càng hẹp hơn, thậm chí, không còn vỉa hè cho người đi bộ.
Trong khi đó, tại TP.HCM, cứ lúc nào xuất hiện những cơn mưa lớn kéo dài vào giờ tan tầm, nhiều tuyến đường đều bị ngập nặng và tình trạng kẹt xe tiếp tục diễn ra.
Hiện nay, TP.HCM có khoảng 600.000 xe ô tô cá nhân và 6,3 triệu xe máy, chưa kể gần 2 triệu xe biển số các tỉnh. Cứ 9 năm, lượng xe máy tại đây lại tăng lên 3 lần, lượng xe ô tô cá nhân tăng lên 6 lần. Còn tại Hà Nội, mỗi tháng có thêm gần 15.000 xe máy, 4.000 ô tô. Với tốc độ gia tăng này, không thể có cơ sở hạ tầng giao thông nào có thể theo kịp.
Ngày 24/10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có công điện yêu cầu các Bộ, ban, ngành phối hợp với Hà Nội và TP.HCM thực hiện một số giải pháp cấp bách để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông như rà soát, kiểm tra các dự án xây dựng đang sử dụng lòng đường để thi công, phải điều chỉnh phương án tổ chức thi công, giảm việc chiếm dụng lòng đường.
Tại những đoạn tuyến, nút giao có nhu cầu đi lại lớn, các cơ quan chức năng cần giải phóng lòng đường, ưu tiên cho phương tiện lưu thông trong giờ cao điểm, tổ chức thi công vào ban đêm và các khung giờ thấp điểm. Đồng thời, chấm dứt tình trạng dự án chiếm dụng lòng đường mà không tổ chức thi công.
Công điện cũng yêu cầu phải công bố bản đồ về địa điểm, thời gian xảy ra hiện tượng ngập úng do triều cường, bổ sung thông tin dự báo về các khu vực, các tuyến đường nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ theo lưu lượng mưa; điều chỉnh lộ trình, tần suất các tuyến xe buýt, tránh khu vực thi công hoặc ngập úng…
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!