Đặc biệt là trong trường hợp những phương pháp truyền thống không còn hiệu quả. Đây là thông tin đáng chú ý tại hội thảo "Hướng dẫn nghiên cứu ứng dụng tế bào và các sản phẩm từ tế bào tại Việt Nam" được tổ chức trong sáng 19/9 tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Nhiều ý kiến đã được các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tế bào gốc và miễn dịch lâm sàng đưa ra.
Hiện cả nước có hơn 40 cơ sở y tế công lập và tư nhân nghiên cứu, ứng dụng điều trị, nghiên cứu tế bào gốc trong điều trị và làm đẹp. Các nghiên cứu cho thấy, tế bào gốc có khả năng tái tạo những tế bào và mô đã bị tổn thương. Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị có hai hướng gồm điều trị tế bào gốc bằng cách thay thế và hỗ trợ điều trị.
Một số đơn vị y tế đang nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị một số bệnh mãn tính như: khớp gối, phổi tắc nghẽn mãn tính, tự kỷ và một số loại ung thư. Trong đó, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh là đơn vị đầu tiên thành lập Trung tâm tế bào gốc và đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng huyết tương tươi giàu tiểu cầu để hỗ trợ điều trị bệnh nhân hiếm muộn có nội mạc tử cung mỏng.
Cần chuẩn hóa ứng dụng tế bào trong điều trị. (Ảnh: Dân trí)
Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tham gia nghiên cứu sử dụng tế bào gốc điều trị cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Tuy nhiên, để phát triển và tạo thuận lợi cho các đơn vị y tế nghiên cứu, ứng dụng tế bào trong điều trị mà các phương pháp truyền thống không hiệu quả, cần phải có hành lang pháp lý.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đặt câu hỏi, tế bào gốc sẽ được xếp vào nhóm phương pháp mới, kỹ thuật mới hay thuốc mới. Nếu là thuốc sẽ phải thử nghiệm lâm sàng, nếu là phương pháp hay kỹ thuật mới, tất cả các cơ sở y tế đều có thể thực hiện được. Đại diện Bộ Y tế cho biết, những đơn vị triển khai điều trị, nghiên cứu tế bào gốc cần phải có phòng thí nghiệm đạt chuẩn và các nhà chuyên môn được đào tạo có thể tách được tế bào gốc đúng với yêu cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!