Biến thể này được phát hiện tại một số quốc gia Nam châu Phi và được dự báo về khả năng lây nhiễm nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến thể khác.
Trong tuần qua, nhiều quốc gia đã phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp đóng cửa biên giới với một số nước có ca nhiễm Omicron… Tuy nhiên đến giữa tuần, tổ chức y tế thế giới WHO vẫn chưa rõ nó có gây ra bệnh nặng hơn so với nhiễm trùng với các biến thể khác.
Mặc dù vậy, trong lúc nhiều nghiên cứu về biến thể này vẫn đang được tiến hành thì tôi đồng tình với quan điểm báo Đại đoàn kết với bài viết trên trang nhất: Ứng phó với biến chủng Omicron: Vaccine và 5K vẫn là biện pháp hàng đầu.
Hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc nào với biến thể này nhưng để chủ động ứng phó, Bộ Y tế đã đề xuất chính phủ xem xét tạm dừng tổ chức các chuyến bay đến và đi từ các quốc gia Nam Phi, Bostwana, Namibia… Biện pháp hiệu quả nhất để giảm lây nhiễm biến chủng Omicron vẫn là giữ khoảng cách tối với người khác, đeo khẩu trang, mở cửa sổ để cải thiện thông gió, tránh không gian hẹp, đông đúc, sát khuẩn thường xuyên và tiêm phòng khi đến lượt.
Ngoài việc tiếp tục theo dõi về biến chủng này, đáng chú ý trong tuần là việc Bộ Y tế đã có hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 theo 4 nhóm nguy cơ: đỏ, cam, vàng và xanh, đồn thời định hướng xử trí, cách li, điều trị. Quy định được áp dụng trên cả nước. Vâng, tôi muốn nhấn mạnh thêm 1 lần nữa là quy định này được áp dụng trên cả nước.
Theo tờ Tiền phong, ở 4 nhóm này, nhóm xanh có nguy cơ thấp, tức có tuổi từ 3 tháng đến dưới 49 tuổi, chưa phát hiện bệnh nền, đã tiêm đủ liều vắc xin, SP02 từ 97% trở lên sẽ được chăm sóc tại nhà riêng nếu đủ điều kiện. Trạm y tế, nhân viên y tế và tình nguyện viên theo dõi, quản lý để phát hiện dấu hiện cần chuyển tầng cao hơn. Tiếp theo là các nhóm màu cam, vàng, đỏ với nguy cơ cao dần thì đều được điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị từ tầng 1 trở lên.
Như vậy, có thể nói đây là những hướng dẫn đã cụ thể thêm hơn rất nhiều, được xây dựng tiếp tục trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch bệnh.
Đây cũng là một nội dung trong phiên họp thường kỳ chính phủ tháng 11 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sẽ kiên trì thực hiện
Theo báo Lao động, không chỉ Bộ Y tế mà cả các bộ, ngành địa phương cũng được người đứng đầu chính phủ yêu cầu phải thực hiện tốt việc thích ứng an toàn, linh hoạt. Ngoài ra, Thủ tướng nhấn mạnh phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết và triển khai tiêm vaccine an toàn, hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đến hết năm cơ bản tiêm đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên, tiếp tục triển khai tiêm vaccine cho trẻ em, tiêm mũi 3 cho người 18 tuổi trở lên, rà soát lại quy trình tiêm chủng, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc.
Các ca nhiễm mới ở thành phố lớn và tính tổng trên cả nước đều luôn ở trên chục nghìn cả, tuy nhiên đây có lẽ là điều đã dự báo trước. Tuy vậy, tờ Đầu tư cũng tỏ ra quan ngại khi mà trong lúc các cơ quan chức năng lo khoanh vùng, dập dịch mỗi khi có ca mới, ở nhiều trung tâm thương mại, hàng quán, thực khách vẫn vô tư ngồi ăn uống, trò chuyện mà không tuân thủ 5K.
Tờ báo cho rằng, mỗi người dân hãy tuyệt đối không xem thường nguy cơ lây nhiễm bởi dịch hôm nay có thể cách xa, nhưng không có nghĩa mai và những ngày sau đó sẽ không gõ cửa nhà bạn. Không có lệnh giãn cách trên diện rộng, không có nghĩa mọi thứ đã an toàn.
Còn với số ca F0 tăng lên như ở TP Hồ Chí Minh, theo báo Thanh niên, cần phải chuẩn bị thật tốt cho y tế cơ sở, từ thuốc men, thiết bị, nhân lực... để giúp người dân an tâm, giúp F0 không trở nặng gây quá tải cho bệnh viện tầng cao hay như việc thí điểm cơ chế cho y tế tư nhân tham gia chăm sóc, điều trị F0 mới được sở y tế trình UBND TP Hồ Chí Minh, đây cũng là phương án để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch.
TP Hà Nội trong tuần cũng đã cho phép cách ly điều trị F1, F0 thể nhẹ ở cả 4 quận lõi gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Đà Nẵng cũng sẽ thí điểm điều trị F0 tại nhà. Việc này sẽ làm giảm tải áp lực cho các bệnh viện, cho hệ thống y tế trong thời gian dài vừa qua, nhất là khi đặt trong bối cảnh mới đây, khoảng 1000 nhân viên y tế TP Hồ Chí Minh đã nộp đơn xin nghỉ. Theo báo Tiền phong, đây là một trong rất nhiều thách thức còn ở phía trước.
Cộng thêm với đó là thách thức về kinh tế, khi mà quá nửa trong số 29 chỉ tiêu của năm nay thành phố dự báo sẽ không hoàn thành. Thách thức nối tiếp thách thức, đòi hỏi những người điều hành phải đủ tầm và bản lĩnh để đưa ra những quyết định có lợi nhất cho đại cục và cho mỗi người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!