Việt Nam là một trong những nước chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại của chiến tranh. Các chiến dịch thu gom, rà phá bom mìn, giải phóng đất đai, phục vụ an sinh cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội được chính quyền các địa phương tiến hành, song song với các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bom mìn để họ có cuộc sống tốt hơn.
Bà Hương mất đi một bên chân (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn). Trải qua khá nhiều thời gian, người phụ nữ này mới vượt qua được nỗi đau để tiếp tục cuộc sống.
"Cuộc sống của mình tuy khó khăn nhưng phải vượt lên chính bản thân mình. Tôi công tác tại trường THCS xã Yên Khoái. Trong quá trình công tác, tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của đồng nghiệp", bà Nguyễn Thị Hương, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn, chia sẻ.
Bỗng chốc trở thành tàn phế là nỗi đau tinh thần của các nạn nhân bom mìn. Nhiều người trong số họ đã nghèo, lại càng trở nên khó khăn hơn. Công tác rà phá bom mìn vẫn cần nhiều thời gian để hoàn thành.
Lực lượng công binh rà phá bom, mìn, vật cản còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn huyện Vị Xuyên (Hà Giang). (Ảnh: TTXVN)
"Công tác rà phá bom mìn của tỉnh mới chỉ thực hiện được 40%, còn khoảng 60% hiện vẫn chưa triển khai", Thượng tá Mai Xuân Phong, Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn, cho biết.
Tính đến nay, đã có hơn 40.000 người Việt Nam bị chết và 60.000 người bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Trung bình mỗi năm bom mìn cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người và hơn 1.300 người phải mang thương tật suốt đời.
Sau chiến tranh, dù còn khó khăn, nhưng Việt Nam luôn ưu tiên bố trí nguồn lực khá lớn cho khắc phục hậu quả bom mìn, bao gồm rà phá bom mìn, tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng và tìm sinh kế cho họ.
Tổng số diện tích còn ô nhiễm bom mìn rất lớn và rải rác tại 63 tỉnh, thành nên cần nhiều thời gian và nguồn lực để làm sạch.
Hiện cả nước có 7,06 triệu người khuyết tật, trong đó hàng vạn người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam. Họ vẫn rất cần sự hỗ trợ để có thể phục hồi chức năng, tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế - xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!