Chiêu trò tuyển cộng tác viên "chốt đơn ảo"
Việc làm online hiện nay rất đa dạng nhưng ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến những công việc có thể khiến rất nhiều người hoài nghi về sự tin cậy của nó, nhất là khi việc kiếm tiền trở nên quá đỗi đơn giản. Một trong số đó là việc tuyển cộng tác viên "chốt đơn ảo". Sau khi nhận lời dụ dỗ của của các đối tượng, cộng tác viên sẽ được cấp mã đăng nhập vào các app, đường link mang tên nhiều sàn thương mại điện tử lớn.
Hàng ngày, bạn sẽ phải chuyển tiền để chốt đơn, giả vờ mua hàng để tăng lượt tương tác và uy tín cho các gian hàng. Gọi là giả vờ, vì bạn không phải mua gì cả, số tiền ứng trước ấy, sẽ được hoàn trả cùng với hoa hồng từ 10 - 30% giá trị đơn hàng. Đơn hàng càng lớn, đương nhiên hoa hồng được hứa hẹn trả về sẽ càng nhiều.
Những chiêu thức lừa đảo cũ nhưng vẫn có thêm rất nhiều nạn nhân mới.
Một công việc hết sức đơn giản, dễ thu lại lợi nhuận, không tốn nhiều công sức và còn phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Chừng ấy ưu điểm thôi đã đánh rất trúng và đúng vào tâm lý của những người cần việc.
Xuất phát từ nhu cầu chính đáng, nhiều bạn trẻ trở thành nạn nhân của những lời dụ dỗ ngon ngọt. Những kẻ lừa đảo không chỉ nhắm vào đối tượng là những học sinh, sinh viên nhẹ dạ cả tin, mà cả những người đã đi làm. Rất đông người đã bị lừa. Trên nhiều diễn đàn, vô số nạn nhân đã kêu cứu.
Đòn tâm lý của những kẻ lừa đảo
Theo dữ liệu của cơ quan điều tra, nạn nhân của các vụ lừa đảo kiểu này rất đa dạng. Không chỉ lừa được những bạn trẻ, những người lớn tuổi, đang có công ăn việc làm ổn định cũng rơi vào bẫy này. Ít cũng phải vài triệu, nhiều đến cả vài trăm triệu đồng. Cả quá trình lừa đảo rất trơn tru và chuyên nghiệp. Thay vì gọi những người tham gia là cộng tác viên, những kẻ lừa đảo lại gọi họ là những khách hàng.
Rất nhiều bài học tâm lý được đường dây lừa đảo vạch ra cụ thể như: "Phải thăm dò để biết khách có tiềm năng hay không. Không được vội vàng, phải phá vỡ được rào cản của 2 người xa lạ. Khi chưa tạo được niềm tin đừng mong lấy được tiền từ trong túi của họ. Phải để khách hàng có suy nghĩ rằng, làm càng nhiều sẽ càng lãi nhiều. Và sau khi khách hàng hoàn thành đến đơn thứ 3, chúng ta thực hiện đơn giết".
"Đơn giết" hiểu một cách đơn giản là sau khi bạn chuyển khoản số tiền đối tượng mong muốn, bạn sẽ không còn nhận được bất kỳ khoản thù lao nào, cả gốc lẫn lãi. Chừng ấy mánh khóe để chiếm lòng tin của người tham gia, nghe cũng đủ thấy phức tạp nhưng thực ra, đó mới chỉ là những bài học vỡ lòng. Để thực hiện hành vi lừa đảo quy mô lớn, những người tham gia vào đường dây này còn được soạn sẵn những câu trả lời bài bản, trơn tru, rất thuyết phục để đánh lừa khách hàng.
Với những chiêu thức đánh vào tâm lý người đối diện cùng những luận điệu bài bản, người tham gia sẽ khó lòng tỉnh táo. Chưa kể, những kẻ lừa đảo còn mạo danh hàng loạt doanh nghiệp lớn để đánh lừa các nạn nhân.
Nhiều doanh nghiệp bị mạo danh để lừa đảo
Lợi dụng thương hiệu của những sàn thương mại điện tử lớn, những kẻ lừa đảo đã thiết kế giao diện của các ứng dụng giả giống y như thật. Để tăng thêm tin tưởng, người tham gia tuyển dụng còn được gửi kèm nhiều thông tin khác như thẻ nhân viên hay giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo các đơn vị, đây hoàn toàn là những thông tin giả mạo.
Các đơn vị lớn thường có website, điện thoại, địa chỉ rõ ràng để mọi người dễ dàng kiểm chứng. Chưa kể, nếu tinh ý, người dùng có thể phát hiện, các app giả mạo thường sẽ có thêm những chữ cái hay con số khác lạ kèm theo tên của những doanh nghiệp chính danh.
Thực tế, các thủ đoạn lừa đảo kiểu này không mới. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo người dân nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.
Bài học đắt giá đằng sau những vụ lừa đảo
Những chiêu thức lừa đảo cũ nhưng vẫn có thêm rất nhiều nạn nhân mới. Tâm lý phải chơi đến cùng mới lấy được cả gốc lẫn lãi khiến nhiều người cứ thế dấn sâu vào chiêu trò dụ dỗ của những kẻ lừa đảo. Sau cùng, những bài học cũng đã đến, chỉ là bạn nhận ra chúng sớm hay muộn và đã phải chịu thiệt hại như thế nào.
Muốn lấy lại được số tiền đã mất là tâm lý chung của nhiều người sau khi biết mình trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo. Mong mỏi ấy lại vô tình trở thành miếng mồi tiếp theo của những kẻ trục lợi. Nếu tin theo, bạn chắc chắn sẽ trở thành nạn nhân lần 2.
Từ việc tìm cộng tác viên chốt đơn ảo, những kẻ lừa đảo đã phát triển thành rất nhiều chiêu thức săn mồi khác như tương tác dạo trên Tiktok, đầu tư chứng khoán ảo trên app, hay tham gia vào các sòng bạc online… Sau cùng, những kẻ lừa đảo ôm theo một khoản tiền to, còn nạn nhân tự phải rút ra cho mình những bài học lớn.
Tỉnh táo trước những miếng mồi ngon là cách duy nhất để không bị rơi vào bẫy. Nếu còn băn khoăn trước một lời mời gọi mùi mẫn nào đó để phải đặt câu hỏi, chắc chắn bạn đã tự có câu trả lời. Còn nếu vẫn chưa, may mắn sẽ có ai đó nhắc cho bạn nhớ: "Thời buổi lừa đảo bao quanh, bà con cảnh giác cho lành tấm thân!".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!