Năm ngoái, cơ quan chức năng đã phát hiện và khởi tố 88 vụ mua bán người. Trong số đó, gần 2/3 là các vụ mua bán người ra nước ngoài.
Từ những lời mời gọi trên mạng xã hội, dụ dỗ việc nhẹ lương cao, tìm kiếm giấc mơ đổi đời, nhiều nạn nhân đã sập bẫy của các đường dây mua bán người. Câu chuyện của chính những nạn nhân trở về từ các đường dây mua bán người sang Campuchia là một lời cảnh báo.
Một người dân quê ở Đắk Lắk, sau một thời gian thất nghiệp đã tìm kiếm việc làm trên một trang mạng. Qua lời mời gọi hấp dẫn, anh đăng ký ứng tuyển làm việc tại một công ty games ở Tây Ninh với mức lương hơn 20 triệu đồng. Tuy nhiên, khi tới nơi, anh bị đưa sang một công ty ở Campuchia.
"Khoảng thời gian ở bên đó thì nói chung là mình như sống trong nỗi sợ. Ngày nào cũng bị đánh, bị phạt, rồi mình bị tước quyền tự do. Mỗi ngày phải hoàn thành 5 tài khoản Facebook. Chỉ hoàn thành 4 thì bị phạt 5 roi và 20 USD" - Nạn nhân mua bán người, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk chia sẻ.
Tại tỉnh Tuyên Quang, nhiều nạn nhân cũng rơi vào các bẫy mua bán người. Họ bị đánh đập, chích điện, và bị đe dọa
Các đường dây mua bán người thường đầu tiên đánh vào tâm lý "giấc mơ đổi đời", sau đó khóa chặt nạn nhân trong các công việc cạnh tranh không lành mạnh. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu lừa đảo tiền, họ phải làm chính công việc dụ dỗ nạn nhân khác.
Theo Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, trước đây chủ yếu các đường dây mua bán người đưa người sang Trung Quốc, giờ đã chuyển hướng đưa sang Lào, Campuchia, hoặc tiếp tục đưa tiếp sang nước thứ 3. Giấc mơ đổi đời tại những miền đất hứa là cạm bẫy mà người dân phải hết sức tỉnh táo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!