Vận động "cò" lao động thành dịch vụ cung ứng lao động biển

VTV Digital-Chủ nhật, ngày 23/10/2022 19:43 GMT+7

VTV.vn - Đây được xem là giải pháp mới cho tình trạng thiếu lao động ở các tàu cá đánh bắt xa bờ.

Những rủi ro khi đi biển và thu nhập bấp bênh do nhiều chi phí tăng lên khiến nguồn lao động tại các tàu cá bị sụt giảm đáng kể ở nhiều địa phương. Vì vậy, những mô hình mới đã được triển khai.

"Cò" lao động biển giờ trở thành những người cung ứng dịch vụ lao động với sự hướng dẫn, kiểm soát của chính quyền địa phương và ngành chức năng. Một mô hình mới đã được triển khai tại tỉnh Bến Tre mang tên "hợp tác tư vấn giới thiệu lao động biển". Mô hình này hiện phần nào giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động phục vụ các tàu đánh bắt xa bờ.

Ông Tuấn và những người bạn của mình tại xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre là những người từng có thâm niên trong nghề môi giới lao động hay còn gọi "cò" lao động biển ở địa phương. Bây giờ, với danh nghĩa là các thành viên của "tổ hợp tác tư vấn, giới thiệu lao động biển", hoạt động với sự hướng dẫn, quản lý của chính quyền xã và bộ đội biên phòng đóng tại địa phương, ai cũng cảm thấy vui.

"Từ ngày tham gia vào tổ hợp tác thì công việc đỡ hơn đi làm mướn làm thuê. Mỗi ngày mình cũng giới thiệu cho chủ ghe được 2 - 3 người, chủ ghe cũng cho được vài trăm nghìn", ông Tuấn chia sẻ.

Vận động cò lao động thành dịch vụ cung ứng lao động biển - Ảnh 1.

Trung bình mỗi tháng, cả tổ "hợp tác tư vấn giới thiệu lao động biển" cung cấp được khoảng 40 - 50 lao động đi biển.

Với 8 thành viên, trung bình mỗi tháng cả tổ cung cấp được khoảng 40 - 50 lao động đi biển. Tất cả đều minh bạch, không còn tình trạng mạnh ai nấy làm.

Bà Trần Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND xã An Thủy, đồng thời cũng là đồng tác giả của sáng kiến này, cho biết:

"Trước khi cung cấp lao động cho chủ tàu thì các thành viên lập danh sách gồm thông tin cá nhân của từng thuyền viên gửi cho công an xã và đồn biên phòng để kiểm tra, kiểm soát thông tin này. Người giới thiệu lao động phải kiểm tra trước tay nghề của người lao động xem có phù hợp với nghề đi biển hay không thì mới giới thiệu cho các chủ tàu", bà Châu cho hay.

Mô hình liên kết chặt chẽ này đã giúp cho việc kiểm soát tàu thuyền ra khơi, công tác giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn có những chuyển biến mạnh mẽ.

Hơn 2 năm hoạt động, tổ tư vấn đã cung cấp hơn 2.000 lao động đi biển. Đồng nghĩa với việc "cơn khát" lao động đối với các chủ tàu đã nhanh chóng vơi đi.

Ba Tri là huyện có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ hơn nghìn chiếc, mỗi tàu cần có từ 8 - 12 lao động. Chất lượng lao động ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả khai thác và đánh bắt, do đó việc tạo dựng, phát triển hiệu quả mô hình trên nhằm phục vụ tốt cho mục tiêu phát triển kinh tế biển đang được xem là cần thiết ở Bến Tre.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước