Theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 10/9/2023, các doanh nghiệp viễn thông phải dừng bán sim điện thoại di động tại đại lý, điểm bán ủy quyền, chỉ phân phối sim qua kênh trực tiếp của các doanh nghiệp viễn thông và các hệ thống lớn, uy tín. Như vậy, người dân chỉ có thể mua sim trực tiếp tại cửa hàng chính thức của các doanh nghiệp viễn thông, hoặc các kênh bán hàng lớn.
Đây là giải pháp để ngăn chặn các hành vi sử dụng các sim không chính chủ để thực hiện các cuộc gọi hay nhắn tin quảng cáo, lừa đảo mà ta hay gọi là tin nhắn "rác", cuộc gọi "rác".
Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên Thời sự VTV tại các đại lý, điểm bán sim uỷ quyền của các doanh nghiệp viễn thông, việc mua sim "rác" vẫn khá dễ dàng.
Tại một số đại lý sim thẻ, trong vai người cần mua sim điện thoại, phóng viên được người bán giới thiệu nhiều loại sim của các nhà mạng với giá tiền khác nhau.
Không khó khi tìm mua sim "rác" tại các đại lý.
Sim được rao bán khắp nơi.
Phóng viên đã mua được một sim điện thoại với giá 70.000 đồng. Chủ cửa hàng bán sim quảng cáo là người sử dụng không cần phải đăng kí, chỉ cần lắp và dùng. Như vậy, tình trạng bán sim đã kích hoạt sẵn vẫn tiếp diễn tại các đại lý bán sim ở Hà Nội.
Về quy định dừng bán sim tại các đại lý, nhân viên một số cửa hàng trả lời chưa nhận được thông báo từ các nhà mạng nên việc mua bán sim không cần đăng ký vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, đối với một số đại lý ủy quyền chính thức của các nhà mạng, đến ngày hôm nay, tài khoản đăng kí thông tin thuê bao của chủ đại lý đã bị khóa. Do vậy, chủ đại lý không thể bán sim mới cho khách hàng.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện 80% sim của các nhà mạng phát được hành qua kênh đại lý. Nhiều đại lý "lách luật" thuê người đứng tên thuê bao, sau đó bán ra thị trường cho người khác. Đây là một trong những "lỗ hỗng" phát tán tràn làn sim "rác" cần sớm được chấn chỉnh.
Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đợt rà soát vừa qua, tính đến ngày 31/8, các doanh nghiệp viễn thông đã rà soát khoảng 8,6 triệu thuê bao điện thoại di động, có người đứng tên đến 10 sim. Trong đó, đã có 3,6 triệu thuê bao đến cam kết, chuẩn hóa lại thông tin; số còn lại khoảng trên 5 triệu sim đã bị khóa 1 chiều, 2 chiều và thu hồi.
Ngoài các đại lý, điểm bán sim điện thoại ủy quyền, thì qua các trang mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử, việc mua bán bán sim điện thoại cũng khá dễ dàng. Theo quy định tại Nghị định 49 năm 2017 của CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện… thì bán sim "rác" là vi phạm, có thể bị xử phạt từ 30 - 40 triệu đồng…
Chế tài là thế, nhưng quảng cáo bán sim "rác" vẫn ngang nhiên tồn tại trên mạng. Các bài viết quảng cáo dịch vụ bán sim 4G giá rẻ cũng đầy trên mạng. Trên các sàn thương mại điện tử phổ biến như Lazada, Shopee, Tiki... việc tìm kiếm và mua bán sim vẫn diễn ra bình thường. Dễ dàng tìm thấy hàng chục người bán đủ các loại sim của các nhà mạng di động tại Việt Nam, có cả các mạng di động ảo. Giá bán từ 10.000 đồng cho đến hàng triệu đồng.
Đâu là giải pháp để ngăn chặn sim "rác"? Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện có khoảng 85% thuê bao mới thuộc về các nhà mạng lớn như MobiFone, VinaPhone, Viettel, đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kiểm tra thông tin thuê bao… Như vậy, ngăn chặn sim rác là việc hoàn toàn có thể làm được nếu cơ quan quản lý Nhà nước và các công ty viễn thông có chính sách nghiêm ngặt và thực hiện có hiệu quả các giải pháp này.
Cùng trao đổi về vấn đề này tại trường quay với Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!