Từ sáng sớm đến tối, cơ sở giết mổ vịt (gần chợ Nếnh, huyện Việt Yên, Bắc Giang) lúc nào cũng bốc mùi khét nồng. Bên trong cơ sở này, những con vịt đang được giết mổ, vứt lăn lóc trên nền đất bẩn thỉu.
Sau khi vặt lông vịt sơ qua bằng máy, người ta sẽ nhúng trực tiếp vịt vào chảo nhựa thông đang sôi sùng sục, sau đó thả ngay vào chậu nước để làm nguội. Lớp nhựa bọc bên ngoài sau khi đông cứng, được lột ra một cách dễ dàng. Toàn bộ lớp lông mang trên thân vịt cũng được lột ra theo. Mảnh nhựa dính đầy lông được ném ngay vào chảo để vặt tiếp những con vịt khác. Chỉ mất 2 phút để vặt sạch lông vịt, nhanh hơn rất nhiều so với vặt bằng tay.
Dù nhựa thông không có trong danh sách những nguyên liệu được dùng để chế biến thực phẩm của Bộ Y tế, nhưng vì chưa có quy định cụ thể cũng như cho rằng hoạt động giết mổ gia cầm chỉ là sơ chế, nên mỗi ngày vẫn có hàng trăm con vịt được cơ sở này nhúng vào nhựa thông để làm sạch lông.
Đến thời điểm hiện tại, chưa có kết luận chính thức của bất kỳ cơ quan chức năng nào về tác hại của nhựa thông khi dùng trong quá trình giết mổ gia cầm. Chính vì thế, mỗi ngày, hàng chục kilogam nhựa thông vẫn được cơ sở giết mổ ở thị trấn Nếnh cũng như ở nhiều địa phương khác sử dụng. Người tiêu dùng khó có thể phân biệt được trong số những con vịt trắng trẻo, sạch sẽ được bày bán ở chợ, con nào đã được vặt lông bằng nhựa thông?
Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ gia cầm, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Việt Yên phát hiện hàng chục kilogam nhựa thông đang được sử dụng để vặt lông vịt cũng như nhiều lỗi vi phạm khác. Tuy nhiên, việc sử dụng nhựa thông lại không hề bị xử phạt. Đâu là nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng lúng túng khi xử lý các cơ sở này? Câu trả lời sẽ có trong chương trình Nói không với thực phẩm bẩn số tiếp theo.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.