Vì sao chậm trễ di dời trụ sở Bộ ngành, trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội?

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 03/11/2022 16:29 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

VTV.vn - Tại phiên chất vấn về lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã nêu một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ di dời trụ sở Bộ ngành… ra khỏi nội đô Hà Nội.

Một số cơ quan chưa quyết liệt, chậm xây dựng đề án di dời

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 3/11, đại biểu Trần Văn Tiến (tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị Bộ trưởng đánh giá về tiến độ di dời các trụ sở Bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội trong thời gian qua và giải pháp để đẩy nhanh tiến độ di dời trong thời gian tới.

Vì sao chậm trễ di dời trụ sở Bộ ngành, trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội? - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Tiến (tỉnh Vĩnh Phúc)

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, việc di dời triển khai chậm đúng như đánh giá của đại biểu.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của chậm trễ này là do một số cơ quan chưa quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, chậm xây dựng đề án di dời. Nguyên nhân thứ hai là nguồn ngân sách bố trí di dời và đầu tư hạ tầng kỹ thuật xây dựng trụ sở mở còn hạn chế, bên cạnh đó chưa có phương án huy động nguồn lực ngoài ngân sách.

Về trách nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chung về giám sát đôn đốc nhưng công tác này chưa thực sự hiệu quả thời gian qua. Ngoài ra, các cơ quan cũng chịu trách nhiệm cụ thể chưa quyết liệt thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu một số giải pháp sau: Các bộ ngành trung ương và TP Hà Nội cần thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch ngành quốc gia, xác định danh mục cần di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ di dời, đảm bảo đúng nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.

Các Bộ: Y tế, Giáo dục và đào tạo, Lao động – Thương binh và xã hội cần khẩn trương hoàn thiện mạng lưới cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, danh mục di dời cũng như việc sử dụng quỹ đất sau di dời.

Bộ Tài chính tăng cường sự phối hợp của Bộ ngành, TP Hà Nội xây dựng chính sách di dời đảm bảo mục tiêu của Chính phủ. TP Hà Nội khẩn trương thực hiện, rà soát, lập nhiệm vụ, đồ án chỉnh sửa quy hoạch chung thủ đô Hà Nội, quy hoạch phân khu đô thị, xác định quỹ đất phù hợp hiệu quả để đáp ứng nhu cầu kiến trúc, cảnh quan đô thị, bảo vệ và phát huy giá trị các công trình kiến trúc…

"Cuối cùng, cần dành nguồn lực để thực hiện công tác di dời các trụ sở, bộ ngành, cơ sở sản xuất…" – trưởng ngành Xây dựng nhấn mạnh.

Trước đó, tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng cho biết đang chỉ đạo hoàn thiện Đồ án Quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ ngành Trung ương, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt; có Văn bản gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan về Đồ án Quy hoạch Khu trụ sở Bộ, ngành tại Tây Hồ Tây và Mễ Trì, Hà Nội; đến ngày 16/9/2022 đã nhận đủ văn bản góp ý trong đó đa số đồng thuận với các nội dung chính của Đồ án; một số cơ quan bổ sung, làm rõ nhu cầu sử dụng trong tương lai.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Đồ án đã được chỉnh sửa, bổ sung các nội dung phù hợp. Hiện đang triển khai lấy thêm ý kiến cộng đồng dân cư tại các khu đất thuộc phạm vi ranh giới nghiên cứu lập đồ án Quy hoạch (phường Mễ Trì và Trung Văn quận Nam Từ Liêm, phường Xuân La quận Tây Hồ, phường Xuân Tảo quận Bắc Từ Liêm). Công tác này dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11/2022, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Nguyên nhân nhiều dự án nhà ở chưa bàn giao đã xuống cấp

Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (tỉnh Thái Bình) chia sẻ về thực trạng hiện nay ở Hà Nội có rất nhiều dự án nhà ở, dự án khu đô thị sau một thời gian sử dụng thì hạ tầng xuống cấp, đường xá, vỉa hè… nhưng không thể nâng cấp vì lý do chưa bàn giao cho chính quyền.

ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, qua phản ánh của cử tri, điều này làm mất cảnh quan đô thi và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Ông Hiếu đặt câu hỏi: Vấn đề này có thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng không? Nếu có đề nghị Bộ trưởng làm rõ sẽ giải quyết như thế nào và khi nào trong thời gian sắp tới?

Vì sao chậm trễ di dời trụ sở Bộ ngành, trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội? - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (tỉnh Thái Bình)

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, nhiều địa phương trong cả nước đã phát triển đô thị thông qua phát triển các dự án nhà ở, dự án đô thị khác nhau về cả quy mô và chất lượng hạ tầng. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại nhiều dự án chưa bàn giao hạ tầng kỹ thuật cho địa phương quản lý đã xuống cấp.

"Nguyên nhân tình hình này là do quy định pháp luật về xây dựng đô thị mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa có quy định cụ thể. Do đó bàn giao quản lý còn lúng túng khi thực hiện. Thứ 2, nhiều dự án kéo dài nên bị ảnh hưởng nên chủ đầu tư chậm bàn giao dự án hoặc chờ hoàn thành dự án trong khi nhiều công trình hạ tầng xuống cấp. Thứ 3, một số dự án chủ đầu tư chưa thực hiện duy tu bảo dưỡng trước khi bàn giao. Thứ 4 là do nguồn lực quản lý chính quyền đô thị còn chưa đủ người, kinh phí để quản lý, duy tu bảo dưỡng" – trưởng ngành Xây dựng nêu 4 nguyên nhân.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung một số giải pháp, trong đó rà soát quy định pháp luật để quy định rõ hơn trách nhiệm chủ đầu tư để chủ đầu tư bàn giao ngay từ khi nghiệm thu báo cáo khả thi hoặc chủ trương đầu tư. Thứ 2, quy định rõ cơ quan nhà nước thẩm định hồ sơ. Thứ 3, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi một số Nghị định, trong đó quy định cụ thể việc bàn giao hạ tầng kỹ thuật khu đô thị. Thứ 4, sửa đổi bổ sung về quy định xử phạt hành chính tương ứng nếu không tuân thủ việc bàn giao, quản lý hạ tầng khu đô thị quản lý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước