Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội
Giáo dục Thủ đô hướng đến cạnh tranh khu vực và quốc tế
Phát biểu tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ngày 8/3, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, chất lượng giáo dục giữa khu vực nội thành và ngoại thành còn chưa đồng đều và đang có xu hướng giãn ra; Quản trị trường học cũng chưa theo kịp xu hướng phát triển của xã hội và chậm so với các ngành, lĩnh vực khác, thậm chí ngay trong nội bộ ngành, giữa khối công lập và ngoài công lập. Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, trong những năm tới, Hà Nội xác định tập trung đầu tư cho Văn hóa, Giáo dục và Y tế, xác định đây là 3 trụ cột để phát triển bền vững Thành phố.
Hà Nội cũng xác định GD&ĐT Thủ đô phải là trung tâm GD&ĐT chất lượng cao của cả nước, tiến tới cạnh tranh khu vực và quốc tế. Muốn vậy, ngoài những kiến nghị đã được nêu, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phân tích, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Hà Nội để đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở giáo dục ra khỏi nội đô; đồng thời, cần có quy chế, quy chuẩn đặc thù đối với các đô thị đặc biệt như Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, sở dĩ trong 10 năm qua chưa di dời được các trường Đại học ra khỏi nội đô là do thiếu nguồn lực, thiếu cơ chế và quỹ đất. Nhấn mạnh việc di dời các trường khỏi nội đô là cần thiết để nâng cao cơ sở vật chất cho các trường và cho sinh viên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng Hà Nội cần có quy hoạch rõ ràng, ưu tiên quỹ đất hình thành các khu đô thị, cụm đại học để tạo cơ chế, hỗ trợ các trường di dời khỏi nội đô nhưng vẫn ở Thủ đô.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc
Chia sẻ với những khó khăn đối với các trường học trong khu vực nội thành, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho rằng Thành phố cần tập trung giảm sĩ số học sinh/lớp, nhất là ở cấp tiểu học để đảm bảo chất lượng đầu ra. Muốn vậy, Thành phố cần quan tâm bố trí các quỹ đất sạch cho trường tư phát triển, cùng với đó là nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ để đảm bảo công bằng giữa khu vực trường công và tư.
Đánh giá cao những thành tích về giáo dục của Thủ đô thời gian qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, đây là sự nỗ lực của đội ngũ quản lý, giáo viên toàn ngành trong nhiều thế hệ cũng như sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Từ đó, giáo dục của Hà Nội đang tạo ra được thương hiệu riêng. Tuy nhiên, nhiều chỉ số trong giáo dục của Hà Nội chưa đạt Top do chỉ số tuyệt đối lớn hơn các tỉnh trong cả nước.
Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc
Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh kiến nghị Thành phố và Bộ GD&ĐT nên thành lập một tổ công tác chung để hỗ trợ Thành phố, tập trung vào 3 lĩnh vực: Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; thu hút nguồn lực, phát triển GD&ĐT chất lượng cao, ngang tầm khu vực và thế giới và đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất GD&ĐT.
Đổi mới, phát triển giáo dục, đào tạo xứng đáng với vị trí Thủ đô
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Thành phố xác định giáo dục, đào tạo là một trong ba lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 (bên cạnh y tế và văn hóa) để Hà Nội phát triển bền vững.
Theo Bí thư Thành ủy, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí rất quan trọng của giáo dục và đào tạo, là quốc sách hàng đầu; đồng thời, yêu cầu triển khai mạnh hơn nữa chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giai đoạn 2021-2025. Hà Nội xác định rõ vai trò, vị trí của Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Đảng bộ, chính quyền Thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt, thường xuyên đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, coi phát triển giáo dục, đào tạo, đưa học sinh trở lại trường học là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Trong thời gian qua, trước tác động của dịch COVID-19, Thành phố càng dành sự quan tâm nhiều hơn, vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho học sinh, giáo viên, vừa bảo đảm chất lượng dạy và học. Nhờ đó, Hà Nội dẫn đầu về quy mô, mạng lưới trường lớp, về giáo dục mũi nhọn và duy trì chất lượng cao giáo dục đại trà ở các cấp học. Tuy nhiên, xác định giáo dục, đào tạo Thủ đô phải phát triển xứng tầm, lãnh đạo Thành phố luôn trăn trở, tìm giải pháp phấn đấu đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể hóa tinh thần này, Thành phố đã xác định giáo dục, đào tạo là một trong ba lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 (bên cạnh y tế và văn hóa). Thành ủy cũng quán triệt tinh thần phải nhìn thẳng, nói thật về những hạn chế tồn tại của giáo dục, đào tạo; trên cơ sở đó, xác định tầm nhìn xa, tính toán dài hơi để phát triển lĩnh vực này.
"Chúng tôi yêu cầu phải đưa tư duy phát triển ngành, lĩnh vực vào trong tư duy phát triển chung của Thành phố. Các huyện đang phấn đấu lên quận như Đông Anh, Gia Lâm khi xây dựng hạ tầng giáo dục phải đạt chuẩn quốc gia luôn, tránh để sau này đô thị hóa không còn quỹ đất như thực trạng xảy ra ở các quận nội đô hiện nay", đồng chí Đinh Tiến Dũng nói.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, tới đây, Thành phố báo cáo với Bộ Chính trị về chủ trương quy hoạch xây dựng thành phố trong thành phố, thành phố giáo dục, khoa học công nghệ sẽ lấy hạt nhân là khu trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc và khu vực Xuân Mai. Thành phố cũng sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế để khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh cải cách hành chính để tháo gỡ thủ tục, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng giáo dục, đào tạo...
Để bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng phương án để khi được phân bổ vaccine là tiêm được cho trẻ từ 5-11 tuổi, bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường học.
Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thống nhất cùng với Ban Cán sự đảng Bộ chỉ đạo tổ chức tổ công tác, tăng cường phối hợp, giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho giáo dục, đào tạo Thủ đô đổi mới, phát triển xứng đáng vị trí, vai trò, đáp ứng sự tin tưởng, kỳ vọng của Trung ương và nhân dân Thủ đô.
Hà Nội cần hướng đến chuẩn giáo dục cao hơn cả nước
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, quy mô giáo dục trên địa bàn Thủ đô lớn, áp lực lớn, đòi hỏi cao, kỳ vọng nhiều, do vậy thách thức đặt ra rất lớn. Tuy nhiên, vượt qua những áp lực đó, trong những năm qua, Hà Nội vẫn được đánh giá là khu vực có chất lượng giáo dục hàng đầu và có tầm quan trọng đặc biệt.
"Câu chuyện của Hà Nội không chỉ dừng lại ở 10% giáo dục phổ thông và 50% hệ thống giáo dục Đại học đặt tại Hà Nội. Cả nước còn phải nhìn vào Thủ đô để học sự lan tỏa của tính chất đầu tàu, lôi kéo, dẫn dắt sự phát triển của hệ thống giáo dục cả nước. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt bởi đối với Thủ đô, các mục tiêu văn hoá, y tế, và giáo dục luôn có vị trí hàng đầu. Hà Nội không thể có Thủ đô văn hiến và con người thanh lịch, văn minh nếu như không có một nền giáo dục chất lượng tốt", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc
Để duy trì, phát triển được ưu thế này trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị, Hà Nội cần hướng đến hệ thống chuẩn giáo dục cao hơn cả nước, nhất là vấn đề chất lượng trong giáo dục. Ngoài ra, cần có kế hoạch, chiến lược để giải quyết từng vấn đề cụ thể trong giáo dục và có giải pháp thực hiện chiến lược phát triển cho từng khối, từng khu vực, phấn đấu trong 5 năm tới không còn lớp học nào có trên 40 học sinh. Cùng với đó, phát triển hơn nữa phương diện con người và thực hiện kết nối giáo dục với các không gian văn hoá, công viên thể thao, thư viện, bảo tàng… sẵn có để phát triển chất lượng giáo dục một cách toàn diện.
Đối với vấn đề chính sách, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ sẽ rà soát lại các chính sách để mở đường cho sự phát triển và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong phát triển giáo dục nói chung. Còn đối với Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị Thành phố cần mạnh dạn thí điểm thực hiện một số chính sách đặc thù và cần thiết có thể ban hành một số chính sách riêng cho Thủ đô trong giáo dục. Thống nhất việc cần thiết thành lập tổ công tác chung giữa thành phố Hà Nội và Bộ GD&ĐT, đồng chí Nguyễn Kim Sơn cho rằng Sở GD&ĐT Thành phố làm đầu mối để có chương trình phối hợp công tác với một số nội dung cụ thể.
"Mong Hà Nội với tất cả nguồn lực, trách nhiệm của mình xem xét đến hệ thống mô hình các trường năng khiếu bên cạnh trường chuyên để phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, ươm mầm các tài năng từ sớm nhất. Ngoài ra, trong sự phát triển đô thị theo hướng thông minh cần tính đến không gian cho việc học tập suốt đời để nâng cao chất lượng đô thị của Thủ đô", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!