Vì sao người dân thờ ơ với bảo lãnh xe vi phạm giao thông?

Nguyễn Điền-Thứ hai, ngày 29/06/2020 08:47 GMT+7

VTV.vn - Xe vi phạm sẽ bị giữ xe 7 ngày, tuy nhiên, chủ phương tiện muốn bảo lãnh xe phải ngược xuôi lo thủ tục mất 2-3 ngày nên người dân lại không mấy mặn mà với quy định này.

Trong một buổi sáng quan sát thực tế, đã có nhiều phương tiện vi phạm luật giao thông bị lực lượng chức năng lập biên bản xử lý. Theo Nghị định 31/2020 được áp dụng từ ngày 1/5, các chủ phương tiện vi phạm này được quyền nộp tiền làm thủ tục bảo lãnh xe của mình về nhà để tự bảo quản.

Vì sao người dân thờ ơ với bảo lãnh xe vi phạm giao thông? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: TTXVN.

Đây được đánh giá là một biện pháp tốt để giảm tải lượng xe tạm giữ. Tuy nhiên, theo các chủ phương tiện vi phạm, với những quy định về thủ tục như hiện nay, họ không mấy mặn mà với việc này.

Theo Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ Đường sắt Công an TP.HCM, đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ trường hợp nào người vi phạm đến đóng tiền bảo lãnh phương tiện.

Quy định bảo lãnh xe vi phạm nhằm mục tiêu giảm tải kho giữ xe vi phạm, vừa giúp người vi phạm chịu phạt nhẹ nhàng, tưởng sẽ lợi cả đôi đường nhưng xem ra khó khả thi bởi quy trình để được bảo lãnh dường như vẫn rất mất thời gian và phức tạp.

Từ ngày 1/5, nghị định sửa đổi, bổ sung về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính chính thức có hiệu lực.

Theo đó, người vi phạm giao thông có thể được quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm của mình nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Với cá nhân vi phạm giao thông muốn được tự quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm phải có nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú còn thời hạn hoặc phải có giấy xác nhận của cơ quan nơi người vi phạm công tác.

- Với tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể; phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện.

- Mức tiền bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm. Trường hợp vi phạm nhiều lỗi trong cùng một vụ, mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa các hành vi vi phạm.

Đồng thời, khi bảo lãnh để tự giữ phương tiện, các cá nhân tổ chức không được phép sử dụng phương tiện vi phạm tham gia giao thông, không được thay đổi nơi giữ phương tiện nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan chức năng.

Người vi phạm nộp tiền bảo lãnh sẽ được tự bảo quản phương tiện Người vi phạm nộp tiền bảo lãnh sẽ được tự bảo quản phương tiện

VTV.vn - Từ ngày 1/5, nghị định sửa đổi, bổ sung về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính chính thức có hiệu lực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước