Không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ, bệnh án điện tử giúp quản lý thông tin sức khỏe liên tục, người dân chủ động hơn trong phòng bệnh và chữa bệnh, giảm thiểu thời gian chờ đợi và thủ tục rườm rà.
"Trước kia mỗi lần đi khám bệnh, mình phải mang giấy tờ sổ sách khá là bất tiện. Từ khi triển khai ví điện tử rất tiện lợi cho bản thân, đi khám bệnh chỉ cần mang theo điện thoại trong đó có thẻ tích sẵn thông tin", ông Nguyễn Đông Duy, người dân TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cho biết.
Theo bác sĩ CKII Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, khi sử dụng bệnh án điện tử thì bệnh nhân được trải nghiệm mới tốt hơn so với trước, hài lòng hơn, tiết kiệm thời gian hơn. "Dữ liệu bệnh nhân được bảo mật, khi cần thì được truy xuất nhanh chóng, dễ dàng, tiện lợi cho cả người bệnh và bác sĩ", bác sĩ Dung nhấn mạnh.
Một trong những nguyên nhân khiến việc triển khai bệnh án điện tử còn chậm trễ bởi kinh phí triển khai bệnh án điện tử còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Tại TP Hồ Chí Minh, bệnh viện Đại học Y dược đã chủ động có đội ngũ công nghệ thông tin riêng để xây dựng hệ thống bệnh án điện tử của bệnh viện.
"Hiện tại những lợi thế chúng tôi có được đó là bệnh án điện tử thân thiện với người dùng, dữ liệu được mã hóa, công tác điều trị kịp thời, rõ ràng, minh bạch, công tác điều trị dễ dàng hơn. Trong giai đoạn đầu thích ứng từ giấy qua bệnh án điện tử, chúng tôi liên tục có đội ngũ hỗ trợ cải tiến phần mềm để thích ứng được với những thay đổi", TS.Bs Lê Quang Tuấn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Hội Tin học y tế cho biết, đến nay cả nước mới có 94 cơ sở khám, chữa bệnh công bố đã triển khai bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy, trong đó chỉ có 32 bệnh viện hạng 1. Rõ ràng, công tác triển khai cần được thực hiện nhanh hơn nhằm cụ thể hóa chuyển đổi số trong ngành Y tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!