Theo quy định, khi mua sim điện thoại, người mua phải xuất trình căn cước công dân hoặc hộ chiếu. chụp ảnh để lưu hồ sơ, ký tên. Thế nhưng, trên thực tế vẫn có thể mua sim một cách dễ dàng mà không phải xuất trình giấy tờ.
Không chỉ mua trực tiếp tại các cửa hàng, sim còn được bán tràn lan trên các nền tảng như Tiktok, Shopee thậm chí có thể mua số lượng lớn mà không phải đăng ký.
Theo chị Đinh Thị Hạnh, ở quận Đống Đa, Hà Nội: " Vấn đề sim rác, cuộc gọi rác đã tồn tại nhiều năm và lỗi là do nhà mạng, nhà mạng có muốn thay đổi hay không".
Trên thực tế, người dân có thể mua sim một cách dễ dàng mà không phải xuất trình giấy tờ.
Sim được mua vào ngày 9/3 nhưng khi tải ứng dụng của nhà mạng về máy điện thoại để kiểm tra thông tin thì ngày kích hoạt sim từ tháng 10/2021.
Theo quy định của 3 nhà mạng lớn hiện nay của Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan có thể đăng ký số lượng sim không giới hạn nếu chứng minh được đầy đủ lý do sử dụng. Nhưng trên thực tế, không phải tổ chức, doanh nghiệp nào cũng sử dụng sim như lý do mà họ đăng ký.
PGS.TS Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Sim rác, cuộc gọi rác sở dĩ tồn tại dai dẳng bởi vì họ có động lực về kinh tế, nếu bị cắt những cuộc gọi rác, tin nhắn rác thì nhà mạng sẽ bị cắt một doanh thu rất lớn. Trách nhiệm thuộc về nhà cung cấp dịch vụ mạng, họ có thể đặt những phần mềm, công cụ để lọc bớt các tin rác và cuộc gọi rác".
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp để giải quyết sim rác, cuộc gọi rác. Các cuộc thanh kiểm tra vẫn thường xuyên diễn ra. Thế nhưng, nếu vẫn có sự tiếp tay từ các đại lý và sự thiếu quyết liệt của các nhà mạng thì cuộc chiến với sim rác còn chưa có hồi kết và những cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo... vẫn còn tiếp tục quấy nhiễu người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!