Nhiều vi phạm đã được chỉ ra sau vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên Quốc lộ 20 qua tỉnh Đồng Nai vừa qua, khiến 5 người thiệt mạng. Cả 2 xe đều chạy quá tốc độ trong khi 2 xe này có trang bị thiết bị giám sát hành trình.
Tìm hiểu của phóng viên VTV cho thấy, việc lắp hệ thống giám sát trên phương tiện vận tải chưa mang lại hiệu quả. Việc sử dụng dữ liệu từ các thiết bị này vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Một doanh nghiệp kinh doanh vận tải cho biết đã lắp camera giám sát hành trình cho toàn bộ 70 xe theo quy định với chi phí mỗi xe gần 7 triệu đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải chịu chi phí truyền dữ liệu theo ứng dụng 4G, khoảng 400.000 đồng/xe/tháng, một số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, sau 1 năm đưa vào hoạt động, việc này cũng không mang lại nhiều hiệu quả.
Theo quy định, dữ liệu từ camera giám sát sẽ được truyền về doanh nghiệp, sau đó đưa về Cục Đường bộ Việt Nam quản lý. Các Sở GTVT khai thác và sử dụng dữ liệu này để phục vụ công tác quản lý vận tải. Tuy nhiên, hiện nay, do vẫn chưa có một trung tâm quản lý tiếp nhận dữ liệu đồng bộ nên việc khai thác nguồn dữ liệu này chưa mang lại hiệu quả.
Việc các doanh nghiệp tự quản lý camera giám sát hành trình sẽ không có cơ chế quản lý chéo. Việc hoàn toàn dựa vào trách nhiệm và sự tự giác của từng doanh nghiệp có thể dẫn đến bỏ qua các lỗi vi phạm của lái xe. Đặc biệt, càng không chắc ban đêm có nhân viên ngồi giám sát việc di chuyển của các xe trên đường hay không.
Lắp camera giám sát hành trình là một chủ trương đúng đắn nhưng khi triển khai lại không đồng bộ, dẫn đến sự lãng phí và chưa thực sự mang lại hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!