DÂN SỐ GIÀ
Việt Nam đã giữ được cơ cấu dân số vàng suốt 22 năm qua nhờ giữ được tỉ suất sinh thay thế.
Cơ cấu vàng có nghĩa là dân số có khả năng lao động (trong độ tuổi từ 15 đến 64) chiếm tỷ lệ cao. Hiện nay chiếm khoảng 70% tổng dân số.
Và nhờ đó, chúng ta có được lợi thế lao động trẻ, trình độ ngày càng nâng cao.
Thế nhưng, Việt Nam lại nằm trong nhóm những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Đến năm 2036, nghĩa là chỉ tầm 13 năm nữa thôi, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ "dân số già".
Điều tra Quốc gia về Người cao tuổi cho thấy, hơn 60% số người cao tuổi đang có tình trạng sức khỏe yếu hoặc rất yếu cần người chăm sóc. Nếu không đảm bảo được tỷ lệ sinh thay thế, xu hướng lao động và dân số sẽ giảm đi, Việt Nam sẽ cần đến 1 triệu người nước ngoài nhập cư mỗi năm.
GIÀ HÓA NHANH DÂN SỐ - ÁP LỰC CHĂM SÓC NGƯỜI GIÀ
Một trong những thách thức về vấn đề dân số là tốc độ già hoá của Việt Nam nằm trong nhóm nhanh nhất thế giới. 10 năm trước, cứ 11 người dân mới có 1 người cao tuổi (tỷ lệ 11/1). Nhưng chỉ 6 năm nữa, tỉ số này dự báo là 6/1.
Đến năm 2036, tức là 13 năm nữa, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn cấu trúc dân số già. Khi tỉ lệ dân số cao tuổi càng lớn, gánh nặng lên những người chăm sóc như con, cháu càng nhiều. Đặc biệt hiện nay, nhiều gia đình có xu hướng ít con. Nhiều gia đình chỉ có một con.
TẬN DỤNG LỢI THẾ GIAI ĐOẠN DÂN SỐ VÀNG
Phải khẳng định rằng "Dân số vàng" là thời kỳ có một không hai - mang lại cơ hội lớn để nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Nhiều quốc gia đã tận dụng triệt để cơ hội "dân số vàng" để tạo ra những kết quả đáng kể trong phát triển kinh tế. Hãy cùng xem kinh nghiệm một số quốc gia.
Với lực lượng lao động dồi dào của thời kỳ dân số vàng, nhiều quốc gia trên thế giới đã biết nắm bắt lấy cơ hội này để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, đưa đất nước phát triển bền vững.
Điển hình phải kể đến là các nước ở khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã phát huy tối đa thời kỳ dân số vàng như tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều việc làm, tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân, cải thiện an sinh xã hội... Kết quả là đã đóng góp khoảng 1/3 vào tăng trưởng kinh tế. Còn Trung Quốc, tận dụng cơ hội này đã mang lại 15% tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua.
Nhật Bản bắt đầu kỷ nguyên dân số vàng từ năm 1965 và kết thúc vào năm 2000. Trong thời kỳ này, chính phủ đã thực thi hàng loạt chính sách đồng bộ như công nghiệp hóa dựa trên nền tảng phát triển công nghiệp được thực hiện đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Gắn liền chính sách kinh tế là hàng loạt chính sách nhất quán để xây dựng một hệ thống giáo dục tốt nhằm tạo một lực lượng lao động có giáo dục và kỹ năng. Chính sách y tế cũng được Chính phủ đặc biệt coi trọng với việc hướng tới chăm sóc y tế toàn dân, cùng với đó là xây dựng và thực hiện chiến lược an sinh xã hội sâu rộng, nhằm đảm bảo và hỗ trợ đời sống của hàng chục triệu người lao động.
Theo thống kê và dự báo dân số của nhiều nước, cơ cấu dân số vàng thường kéo dài từ 20 đến 40 năm. Quỹ Dân số thế giới của Liên hợp quốc khuyến nghị các quốc gia muốn phát huy được cơ hội vàng này cần phải có các chính sách để biến nguồn lao động này thành nguồn nhân lực chất lượng cao về tri thức, kỹ năng và tay nghề. Có như vậy mới tạo ra được nguồn của cải vật chất dồi dào, làm bệ phóng quan trọng giúp các quốc gia vươn lên thịnh vượng.
Việt Nam đạt dân số 100 triệu người trong bối cảnh đã duy trì vững chắc tỉ suất sinh thay thế 22 năm liên tục và là quốc gia duy nhất có chiến lược phát triển dân số đảm bảo tỷ suất sinh thay thế đến năm 2030.
Có được dân số vàng, nhưng chất lượng cũng phải vàng. Và phải chuẩn bị kĩ càng cho quá trình già hoá đang diễn ra. Đó chính là những yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân là khách mời trong chương trình Vấn đề hôm nay sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!