Việt Nam làm gì để thu hút nhân lực điều dưỡng?

Vũ Em - Minh Sơn - Vũ Anh-Thứ ba, ngày 25/10/2022 11:37 GMT+7

VTV.vn - Hiện nay, nhiều bệnh viện đang rơi vào tình trạng thiếu điều dưỡng, khi lực lượng này nghỉ việc nhiều và khó tuyển dụng.

Có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc người bệnh, điều dưỡng chiếm đến 70% lao động trong các bệnh viện. Thời điểm dịch COVID - 19 căng thẳng, điều dưỡng đã chứng tỏ là nhân lực có đóng góp quan trọng, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.

Thế nhưng hiện nay, nhiều bệnh viện đang rơi vào tình trạng thiếu điều dưỡng, khi lực lượng này nghỉ việc nhiều và khó tuyển dụng. Điều này đã tạo áp lực cho những người ở lại.

Khó khăn tuyển sinh ngành điều dưỡng

Bệnh viện thiếu hụt nhân lực điều dưỡng, trong khi đó, lượng thí sinh theo học ngành này thời gian gần đây cũng sụt giảm. Tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP. Hồ Chí Minh, năm nay, số lượng đăng ký theo học đã giảm hơn 60% so với năm trước. Nhiều trường có đào tạo ngành điều dưỡng, cũng gặp không ít khó khăn trong việc tuyển sinh ngành học này.

Nhu cầu xã hội lớn nhưng các trường gặp không ít khó khăn về tuyển sinh. Thiếu hụt người theo học cũng đồng nghĩa khả năng thiếu hụt về nguồn nhân lực chăm sóc người bệnh sau này.

Do đó, các trường cho rằng cần có những chính sách mới để thu hút ngành học này về đào tạo, sử dụng lao động phù hợp và đặc biệt là thu nhập cho cán bộ điều dưỡng.

Kiến nghị giải pháp thu hút nhân lực điều dưỡng

Nguyên nhân gây khó khăn trong việc thu hút nhân lực điều dưỡng chính là do công việc vất vả, áp lực. Trong khi đó, thu nhập chưa tương xứng. Điều này dẫn đến số lượng điều dưỡng nghỉ việc nhiều. Các trường vì thế cũng khó tuyển sinh. Nhiều ý kiến về các giải pháp để giải quyết thiếu hụt nguồn nhân lực này đã được đưa ra.

Việt Nam làm gì để thu hút nhân lực điều dưỡng? - Ảnh 1.

Theo PGS. TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh: "Chúng tôi rất tha thiết có một loại hình là trợ lý điều dưỡng. Trên thế giới có rất nhiều loại hình. Hiện nay chúng ta chỉ có một loại hình điều dưỡng. Điều dưỡng của chúng ta chủ yếu là Đại học. Trong khi đó điều dưỡng nghỉ càng ngày càng nhiều. Nếu mà bắt điều dưỡng làm từ A - Z thì khó lòng duy trì được".

Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Quốc tế, TP. Hồ Chí Minh lại có kiến nghị: "Với sự thiếu hụt lao động ngành điều dưỡng ở cả Việt Nam và trên thế giới, tôi nhận thấy rằng ngành điều dưỡng nên có nhiều chế độ đãi ngộ tốt".

Nhọc nhằn nghề điều dưỡng

Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng Đề án đổi mới chính sách điều dưỡng, hướng đến chăm sóc toàn diện, giai đoạn 2022 - 2030, nhằm đẩy mạnh công tác điều dưỡng. Trong khi đó, một số địa phương cũng đã có những chính sách, để nâng cao thu nhập cho điều dưỡng như tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế đề xuất tiếp tục hỗ trợ thu nhập tăng thêm cho điều dưỡng; đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp, đến ngày 1/1/2026.

Ngoài ra, các chính sách miễn giảm học phí, tạo điều kiện việc làm - cũng được kiến nghị, để ngành điều dưỡng thu hút nhiều sinh viên theo học. Với những kiến nghị này, kỳ vọng bài toán thiếu nhân lực điều dưỡng sẽ được giải quyết. Bởi điều dưỡng luôn là người sát cánh cùng bệnh nhân trong cuộc chiến với bệnh tật.

TP Hồ Chí Minh đề xuất gia hạn tuyển dụng điều dưỡng hệ trung cấp TP Hồ Chí Minh đề xuất gia hạn tuyển dụng điều dưỡng hệ trung cấp

VTV.vn - Lý do xin gia hạn tuyển dụng điều dưỡng hệ trung cấp bởi thống kê trong đào tạo năm nay lượng sinh viên học ngành điều dưỡng tại các trường ở thành phố giảm nhiều.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

điều dưỡng

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước