Vô sinh nam 10 năm vì bệnh lý nam khoa

P.V-Thứ tư, ngày 06/12/2023 08:00 GMT+7

Chuyên viên phôi học tìm tinh trùng dưới kính hiển vi có độ phóng đại lớn.

VTV.vn - Bằng sự hỗ trợ của vi phẫu micro-TESE tại IVF Tâm Anh, anh Trung (45 tuổi, ở Hoà Bình) tìm thấy tinh trùng còn sót lại, được làm cha sau 10 năm vô sinh.

10 năm tìm con là một hành trình không tưởng đối với vợ anh Trung và chị Hoài (44 tuổi). Cho đến giây phút được ôm con trong tay, hít hà mùi thơm của con, đó là khoảnh khắc mà hai vợ chồng từng ước ao trở thành hiện thực.

Trước đó, vợ chồng anh Trung chạy chữa đông y, tây y khắp nơi, nhưng không có kết quả. Năm 2016, sau khi trải qua ca mổ khối u vú lành tính, chị Hoài thuyết phục chồng cùng đi khám hiếm muộn. Thương vợ và nghĩ sức khỏe mình bình thường, khả năng và nhu cầu tình dục sung mãn, anh Trung chiều ý vợ đi khám.

Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận anh Trung không có tinh trùng do giãn tĩnh mạch thừng tinh, tinh hoàn hai bên có nhiều quai giãn, quai lớn nhất khẩu kính xấp xỉ 4,3 mm, phải phẫu thuật điều trị nếu muốn có thai tự nhiên. Trong suốt 3 năm, anh Trung uống thuốc đều đặn nhưng không hiệu quả. Lo lắng, vợ chồng anh quyết định điều trị hỗ trợ sinh sản ở hai cơ sở y tế tại Hà Nội. Trong đó có một lần, anh Trung tiến hành mổ TESE để làm IVF, tạo được 3 phôi, tuy nhiên hai lần chuyển phôi đều thất bại.

Tháng 9/2022, anh Trung đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVFTA) thăm khám, kết quả cho thấy 2 bên tinh hoàn của anh teo nhỏ, xét nghiệm không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch. "Thời gian điều trị kéo dài, không hiệu quả, khiến tình trạng của anh Trung càng thêm nặng", bác sĩ Cao Tuấn Anh cho biết.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh chiếm từ 10-15% nam giới nói chung và 35-81% ở nhóm bệnh nhân vô sinh nam. Bệnh xảy ra do hệ thống van tĩnh mạch suy yếu, khiến máu trào ngược từ tĩnh mạch chủ vào tĩnh mạch tinh, làm giãn các đám rối tĩnh mạch tinh ở vùng bẹn và bìu. Từ đó, gây ứ trệ máu, làm tăng nhiệt độ ở tinh hoàn, hủy hoại tinh trùng. Hiện tượng này thường xuất hiện ở tinh hoàn bên trái, với tỷ lệ 90%, 10% còn lại xảy ra ở cả hai bên.

Vô sinh nam 10 năm vì bệnh lý nam khoa - Ảnh 1.

Hình ảnh tìm tinh trùng trong ống sinh tinh được truyền từ phòng lab phôi học đến phòng mổ. Ảnh: Trịnh Mai

Theo bác sĩ Tuấn Anh, bệnh không có triệu chứng cụ thể, nhiều nam giới rơi vào trường hợp như anh Trung vẫn phát triển bình thường về ham muốn, quan hệ tình dục đều đặn. Phần lớn các trường hợp tình cờ phát hiện bệnh khi đi khám vô sinh, hiếm muộn. Một số người bệnh có thể cảm thấy đau vùng tinh hoàn, thường xảy ra vào buổi chiều tối, sau khi đứng lâu, làm việc gắng sức hoặc ngồi nhiều. Nếu tĩnh mạch thừng tinh giãn lớn, người bệnh có thể thấy sưng phía trên bìu.

Bác sĩ Tuấn Anh cho biết anh Trung bị vô tinh không tắc nghẽn do biến chứng teo tinh hoàn sau các cuộc phẫu thuật, quá trình sinh tinh không hoàn toàn ngưng lại. Cách đây vài năm, với những trường hợp vô tinh không tắc nghẽn thường có chỉ định xin tinh trùng từ người hiến tặng thì hiện nay với kỹ thuật trích tinh trùng từ mào tinh và tinh hoàn micro-TESE có thể rà soát từng góc gách để tìm những ống sinh tinh tiềm năng, "vét" những tinh trùng còn sót lại cho người bệnh với khả năng tìm được tinh trùng cao gấp 1,5 lần so với TESE.

Theo bác sĩ Tuấn Anh, với vi phẫu tìm tinh trùng với vi phẫu micro-TESE cơ hội tìm thấy tinh trùng lên đến 50-60%, đặc biệt với trường hợp vô tinh do biến chứng quai bị tỷ lệ này lên đến gần 100%. Được thực hiện với sự trợ giúp của kính vi phẫu, micro-TESE là lựa chọn tối ưu cho những ca vô tinh không do tắc, giúp tìm được những ống sinh tinh "tiềm năng" còn khả năng sinh tinh, hạn chế sang chấn và tránh phá hủy chức năng tinh hoàn và tăng khả năng tìm thấy tinh trùng để thực hiện ICSI so với kỹ thuật TESE thường quy. Tại IVF Tâm Anh, micro-TESE giúp hơn 70% nam giới vô tinh tìm được tinh trùng, cho kết quả IVF tương đương tinh trùng lấy trong tinh dịch.

Ca phẫu thuật được diễn ra, nhiệm vụ của bác sĩ phải "truy tìm" các ống sinh tinh tiềm năng từ tinh hoàn teo nhỏ chỉ bằng ⅙ so với bình thường của bệnh nhân nhưng vẫn đảm bảo tổn thương ở mức thấp nhất. Sau 4 giờ căng não, bác sĩ tìm thấy vài ống sinh tinh tiềm năng. Mẫu thu được chuyển đến phòng xét nghiệm ngay bên cạnh để xử lý. Chuyên viên phòng lab lọc rửa mẫu, soi dưới kính hiển vi đảo ngược có độ phóng đại hơn 200 lần mới tìm thấy tinh trùng đủ để tạo phôi.

Chị Hoài được sử dụng phác đồ kích thích buồng trứng phù hợp với trường hợp suy giảm dự trữ buồng trứng. Bác sĩ thu được 7 noãn trưởng thành, tạo và nuôi được hai phôi ngày 5, ba phôi ngày 3 chất lượng tốt.

Mong muốn con sinh ra khỏe mạnh, hai vợ chồng quyết định sinh thiết hai phôi ngày 5, kết quả cho cho một phôi bình thường, một phôi thể khảm (phôi mang hai hoặc nhiều dòng tế bào có kiểu gene khác nhau, gồm cả tế bào bình thường và bất thường).

Tháng 1/2023, chị Hoài được chuyển phôi ngày 5 duy nhất vào buồng tử cung và đậu thai. Các phôi còn lại được trữ đông. Cuối tháng 9/2023, bé trai nặng 3,2kg chào đời khỏe mạnh bằng phương pháp sinh mổ.

Lần đầu được ôm con sau 10 năm mong đợi, anh Trung xúc động chia sẻ: "Tôi từng có lúc tuyệt vọng vì tưởng rằng mình không thể có con. Con là mảnh ghép hoàn hảo cho bức tranh hạnh phúc mà bố mẹ từng vẽ trong lòng."

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 6 người trên toàn cầu có một người vô sinh. Trong đó, nguyên nhân đến từ người chồng chiếm 40%, tương đương với người vợ. Tại Việt Nam, cả nước có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh. Môi trường sống ô nhiễm, thói quen sinh hoạt không lành mạnh như lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, lười vận động, tự ý sử dụng testosterone trong tập thể thao… khiến tình trạng này ngày càng trẻ hóa với khoảng 50% trường hợp xảy ra ở cặp vợ chồng dưới 30 tuổi.

Theo bác sĩ Cao Tuấn Anh, các trường hợp vô sinh hiếm muộn có nguyên nhân từ người chồng rất đa dạng, gồm các vấn đề về sản xuất tinh trùng (giãn tĩnh mạch tinh, tinh hoàn ẩn, teo tinh hoàn...); nhiễm trùng đường sinh dục; các vấn đề rối loạn tình dục hoặc xuất tinh (rối loạn cương, xuất tinh sớm, xuất tinh ngược dòng…); dị tật bẩm sinh; bất thường nhiễm sắc thể (hội chứng Klinefelter, đứt gãy ADN tinh trùng…); suy giảm nội tiết; mãn dục; nhiễm bệnh lây qua đường tình dục (lậu, giang mai…); ung thư tinh hoàn; ung thư dương vật…

Hiện nay, có nhiều phương pháp được áp dụng hiệu quả trong điều trị vô sinh nam. Người bệnh vẫn có thể làm IVF ngay cả khi có số lượng tinh trùng rất ít. Ngoài vi phẫu tìm tinh trùng micro-TES, các kỹ thuật tiên tiến khác như tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), đông tinh số lượng ít, trữ đông phôi dài hạn, sàng lọc phôi tiền làm tổ giúp nam giới vô sinh có cơ hội sinh con "chính chủ" khỏe mạnh.

Vô sinh nam 10 năm vì bệnh lý nam khoa - Ảnh 2.

Nhiều gia đình hiếm muộn đón con khỏe mạnh sau khi điều trị tại IVF Tâm Anh. Ảnh: Như Ngọc

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Đăng Khoa - Trưởng Đơn vị Nam học, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh, TP Hồ Chí Minh cho biết "Nam giới nên đi thăm khám ngay khi có những triệu chứng bất thường, đừng chờ đợi đến khi lập gia đình, mong con nhiều năm mới đi khám sức khỏe sinh sản. Các phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam hiện nay rất phát triển, có thể giúp nam giới không chỉ giữ vững bản lĩnh phái mạnh, giành lại cơ hội làm cha chính chủ mà còn bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai".

Năm 2022, IVF Tâm Anh tiếp nhận và điều trị khoảng 70% trường hợp vô sinh hiếm muộn khó như vợ chồng lớn tuổi, mong con nhiều năm, vợ suy giảm buồng trứng, chồng không có tinh trùng và kèm theo nhiều bệnh lý phức tạp. Nhờ chiến lược 'kiềng 3 chân' gồm điều trị vô sinh nữ, vô sinh nam và phòng lab hiện đại, IVF Tâm Anh đã giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn hiện thực hóa giấc mơ làm cha mẹ, với tỷ lệ IVF thành công đạt 68,5%.

Để ngăn ngừa rủi ro vô sinh, nam giới cần thay đổi thói quen sinh hoạt như bỏ hút thuốc lá; hạn chế hoặc kiêng bia rượu, không sử dụng các chất kích thích; tránh căng thẳng; thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao duy trì cân nặng hợp lý. Nếu có bất thường về vấn đề xuất tinh, rối loạn tình dục, dị tật cơ quan sinh sản không nên trì hoãn điều trị do có thể khiến tình trạng bệnh diễn tiến nghiêm trọng.

*Tên người bệnh đã được thay đổi

640X400

20h ngày 6/12, chương trình tư vấn trực tuyến "Vô sinh nam có phải yếu sinh lý? Các nguyên nhân gây vô sinh nam & phương pháp điều trị" do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Hệ thống BVĐK Tâm Anh thực hiện, phát sóng trên fanpage VTV24 và fanpage Bệnh viện đa khoa Tâm Anh.

Độc giả gửi câu hỏi tại đây để được các chuyên gia giải đáp chi tiết trong chương trình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

vô sinh nam

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước