Từ đêm ngày 18/12 đến nay, vụ phóng hỏa đốt quán cà phê tại Hà Nội khiến ít nhất 11 người thiệt mạng vẫn đang làm nhiều người bàng hoàng, lo lắng và tức giận. Chỉ vì tức giận nhân viên phục vụ tại quán, một người đàn ông 51 tuổi đã lạnh lùng phóng hỏa đốt quán. Hậu quả rất đau lòng: 11 người thiệt mạng và nhiều người bị thương hiện vẫn đang được điều trị tại bệnh viện.
Hiện trường vụ cháy quán cà phê tại Hà Nội vào đêm 18/12, làm 11 người tử vong
Đối tượng phóng hỏa là Cao Văn Hùng, sinh năm 1973, hộ khẩu thường trú tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, đã ra đầu thú ngay trong đêm ngày 18/12. Đối tượng khai nhận, lúc 21h tối 18/12, có đến quán cà phê này uống bia và xảy ra mâu thuẫn với nhân viên của quán. Sau đó, đối tượng chạy đi mua xăng đựng trong một xô nhựa rồi quay lại đốt tại khu vực tầng một của quán cà phê, nơi có rất nhiều xe máy đỗ. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Cao Văn Hùng về tội giết người và hủy hoại tài sản. Trước đó, đối tượng này từng có tiền án, tiền sự liên quan đến tội trộm cắp.
"Theo nghiên cứu tội phạm học, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội thường có hai cấp độ: một là những bức xúc nhất thời tại thời điểm xảy ra sự việc, hai là nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ sự xuống cấp về đạo đức. Một người được giáo dục tốt sẽ không chọn bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Trong trường hợp này, đối tượng có nhân cách tiêu cực, với cái tôi ích kỷ lớn, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân và sẵn sàng dùng mọi cách để bảo vệ cái tôi của mình. Thêm vào đó, sự vô cảm, không nghĩ đến nỗi đau của đồng loại hay những thiệt hại mà xã hội phải gánh chịu, càng làm trầm trọng thêm hành vi của hắn", Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học nhận định.
Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học chia sẻ về những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của các đối tượng
Theo TS.Đào Trung Hiếu, đối tượng đã nhanh chóng thực hiện hành vi phạm tội chỉ trong thời gian ngắn sau mâu thuẫn, không có quãng thời gian đủ dài để cân nhắc hay kiềm chế. Đối tượng có ý định mua xăng và phóng hỏa, trong khi biết rõ có nhiều người và tài sản trong quán cho thấy sự suy đồi đạo đức đã đạt đến mức thấp nhất. Đây không chỉ là một hành vi bộc phát mà phản ánh sự xuống cấp nghiêm trọng trong nhân cách của thủ phạm.
Đáng báo động, chỉ trong vài tuần gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ hành hung, giết người chỉ vì những mâu thuẫn cá nhân nhỏ nhặt, như va chạm giao thông hay cái nhìn mà kẻ côn đồ cho rằng "nhìn đểu". Theo báo cáo mới nhất của Bộ trưởng Bộ Công an tại Kỳ họp Quốc hội, số vụ tội phạm về trật tự xã hội năm nay đã tăng hơn 12%. Từ những mâu thuẫn lớn như tranh chấp đất đai, tình cảm, ghen tuông, đến những xung đột nhỏ tại nơi làm việc, trường học, hay trên bàn nhậu, tất cả khi được giải quyết bằng bạo lực đều để lại những hậu quả rất đau lòng.
"Nhiều vụ phạm tội với động cơ khác nhau đã xảy ra, nhưng điểm chung là các đối tượng đều hành xử rất manh động, chọn bạo lực và bất chấp hậu quả. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ sự xuống cấp của đạo đức xã hội, chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố trong quá trình hình thành nhân cách con người. Nhiều gia đình hiện nay đang đối mặt với áp lực mưu sinh, cha mẹ thiếu sự quan tâm, giáo dục con cái. Một số phụ huynh thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo, trộm cắp hoặc sử dụng ma túy, vô tình tạo nên những tấm gương xấu, tác động tiêu cực đến trẻ ngay từ nhỏ. Nếu đối tượng Cao Văn Hùng được hướng dẫn cách kiểm soát cảm xúc, có thể cơn giận lúc đó đã không bùng phát dẫn đến hành vi tội ác", TS.Đào Trung Hiếu cho biết.
Đối tượng Cao Văn Hùng tại cơ quan công an
TS.Đào Trung Hiếu cho rằng xã hội cũng có nhiều tác động bất lợi đến hành vi của con người, đặc biệt là những văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực tràn lan trên không gian mạng, nơi người trẻ dễ dàng tiếp cận. Các tệ nạn xã hội và diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm cũng gây ảnh hưởng lớn. Ngoài ra, những khó khăn trong đời sống khiến nhiều người rơi vào bế tắc, ức chế, và dễ dàng tìm đến bạo lực như một cách để trút giận hoặc giải tỏa năng lượng tiêu cực. Sự kết hợp của những yếu tố này góp phần làm gia tăng các hành vi phạm tội.
"Hành vi của Cao Văn Hùng là kết quả của một quá trình thiếu sự nuôi dưỡng, rèn luyện về cách kiểm soát cảm xúc. Khi gặp tình huống bất lợi, những cảm xúc tiêu cực sẽ bùng phát dẫn đến tội ác. Đối với những hành vi trái pháp luật ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng, như trường hợp của Cao Văn Hùng, việc trừng phạt phải mang tính răn đe rõ ràng. Về trị liệu tâm lý, đó là quá trình nên diễn ra trước khi tội ác xảy ra, nhằm ngăn chặn các yếu tố tiêu cực hình thành trong nhân cách. Tuy nhiên, khi đối tượng đã gây ra một tội ác nghiêm trọng như vậy, trại giam không thể là nơi dành cho trị liệu tâm lý", TS.Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.
Một bị cáo 31 tuổi, trú tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã lãnh mức án 20 năm tù về tội Giết người, do mâu thuẫn với một đồng nghiệp tại công ty giao hàng tiết kiệm
Cũng theo TS.Đào Trung Hiếu, để giảm thiểu tình trạng bạo lực trong cộng đồng, cần thực hiện nhiều biện pháp, trong đó vai trò của giáo dục là vô cùng quan trọng. Triết lý giáo dục cần hướng tới việc "dạy làm người", tập trung bồi dưỡng nhân cách và kỹ năng sống thay vì chỉ chú trọng nhồi nhét kiến thức. Việc hình thành nhân cách phải được bắt đầu từ tấm bé và tiếp tục phát triển qua các cấp học, giúp tạo ra những công dân lương thiện và có trách nhiệm với xã hội. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông để thay đổi hành vi và nâng cao nhận thức cộng đồng, tạo sự lên án mạnh mẽ trước các hành vi bạo lực. Việc đề cao các giá trị nhân văn, nhân ái và tinh thần đoàn kết tương thân tương ái sẽ góp phần đẩy lùi xu hướng bạo lực trong xã hội.
Ngoài ra, các hành vi sử dụng bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng phải được xử lý nghiêm khắc để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Những vụ án đặc biệt như trường hợp của đối tượng Cao Văn Hùng, cần có biện pháp xử lý mạnh tay. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường phát hiện, xử lý kịp thời những điểm nóng và mâu thuẫn tiềm ẩn trong cộng đồng, ngăn chặn nguy cơ dẫn đến các vụ án nghiêm trọng.
Mất kiểm soát cảm xúc, thiếu kỹ năng giải quyết xung đột và suy giảm ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Đó chính là những nguyên nhân sâu xa dẫn đến những hành vi manh động, bột phát khi xử lý mâu thuẫn bằng bạo lực và bất chấp hậu quả. Những hình ảnh phản cảm, thiếu văn minh như vậy trong xã hội không chỉ gây mất trật tự mà còn đe dọa sự an toàn của cộng đồng. Vì vậy, việc ngăn ngừa bạo lực đòi hỏi cần có nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng để có giải pháp hữu hiệu trong việc kiểm soát hành vi tâm lý con người, để mỗi người trong chúng ta cùng nhau xây dựng một môi trường sống an toàn, văn minh và nhân ái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!