Vụ Vạn Thịnh Phát: Tòa hủy bỏ lệnh kê biên tòa nhà Capital Place trên phố Liễu Giai

PV (t/h)-Thứ sáu, ngày 18/10/2024 09:12 GMT+7

Tòa nhà Capital Place (số 29 Liễu Giai, Hà Nội) liên quan đến Vạn Thịnh Phát được hủy bỏ kê biên và xử lý theo quy định pháp luật. Ảnh: ANTĐ

VTV.vn - HĐXX quyết định giải tỏa kê biên cổ phần của Công ty sở hữu tòa nhà Capital Place tại số 29 Liễu Giai, Hà Nội để các ngân hàng thu hồi nợ.

Chiều 17/10, TAND TP Hồ Chí Minh tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan. 34 bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Bên cạnh tuyên mức hình phạt đối với các bị cáo, HĐXX cũng đưa ra phán quyết về phần xử lý các tài sản đang bị kê biên, phong tỏa của vụ án.

Về "siêu dự án" Amigo với khu đất tứ giác Nguyễn Huệ - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Ngô Đức Kế (phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh) mà bà Lan mong muốn đem bán, lấy tiền khắc phục hậu quả, HĐXX cho rằng tài liệu các bên cung cấp còn nhiều mâu thuẫn, chưa được làm rõ nên chuyển cho cơ quan điều tra.

Đối với một số tài sản, vật chứng hiện chưa được xác minh, làm rõ tính pháp lý, HĐXX cũng chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra (C03)- Bộ Công an tiếp tục điều tra.

Đối với 100% cổ phần tại CTCP Twin Peaks là công ty sở hữu tòa nhà Capital Place tại số 29 Liễu Giai, Hà Nội, theo hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn tại tòa thì tòa nhà này đang thế chấp cho 3 ngân hàng nước ngoài. Tại tòa, bị cáo Lan yêu cầu giải tỏa kê biên để bán trả tiền cho ngân hàng nước ngoài, phần còn lại dùng để khắc phục hậu quả của vụ án. Bên cạnh đó, các ngân hàng nước ngoài và Công ty Twin Peaks cũng yêu cầu được giải tỏa kê biên.

HĐXX xét thấy, quan hệ tín dụng này là hợp pháp, được đăng ký giao dịch bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật. Hiện nay khoản nợ đã đến hạn thanh toán nên cần hủy bỏ lệnh kê biên giao cho ba ngân hàng để xử lý thu hồi nợ theo quy định. Việc xử lý tài sản của các ngân hàng phải chịu sự giám sát của VKSND Tối cao và C03 (Bộ Công an) và cơ quan Thi hành án có thẩm quyền. Phần giá trị tài sản còn lại sau khi trả nợ cho ngân hàng thì dùng khắc phục hậu quả của vụ án.

Đối với 18% phần vốn góp của Công ty Setra Công ty liên doanh TNHH Vietcombank - Bonday - Bến Thành (Tòa nhà Vietcombank, TP Hồ Chí Minh). Tại tòa, đại diện của Ngân hàng Vietcombank đề nghị HĐXX hủy bỏ lệnh kê biên để Vietcombank và Công ty Setra tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng với giá 920 tỉ đồng.

Bà Lan cũng đồng ý chuyển nhượng 18% số cổ phần này để thu hồi tiền về khắc phục hậu quả của vụ án. HĐXX xét thấy, thỏa thuận giữa các bên không trái quy định của pháp luật, tuy nhiên chưa đủ căn cứ để xác định giá chuyển nhượng số cổ phần trên như chứng cứ các bên cung cấp. Do đó, để đảm bảo thu hồi tối đa tài sản, cần tiếp tục kê biên số cổ phần này để Vietcombank nộp cho cơ quan Thi hành án tài liệu, chứng cứ có liên quan chứng minh giá trị chuyển nhượng đúng theo giá thị trường.

Đối với số cổ phần khác như: 82% phần vốn góp tại Công ty TNHH bảo hiểm FWD Việt Nam; 77,89% cổ phần CTCP dược phẩm Đông Dược 5; 84,82% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông:; 13,23% cổ phần tại CTCP Đầu tư Sao Thủy HĐXX tuyên tiếp tục kê biên để đảm bảo thu hồi.

Ngày 17/10, sau gần một tháng xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử của phiên sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) đã tuyên án đối với các bị cáo.

Theo đó, bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) nhận mức án chung thân; 33 bị cáo còn lại nhận các mức án từ 2 năm đến 23 năm tù giam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước