Vượt biên tìm việc tại Campuchia - Cạm bẫy trực chờ

Chuyển động 24h-Thứ tư, ngày 05/01/2022 13:36 GMT+7

VTV.vn - Với mong muốn đổi đời, thoát nghèo, nhiều người đã tin theo lời quảng cáo trên các trang mạng xã hội để rồi trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo buôn bán người.

Tiếng kêu cứu từ bên kia biên giới

Theo lời người thanh niên này, do dịch bệnh phức tạp nên việc tìm kiếm việc làm ở quê nhà trở nên khó khăn. Trong lúc loay hoay tìm kế mưu sinh, anh đã lên mạng xã hội để tìm việc và được giới thiệu sang Campuchia để tìm việc làm với mức lương lên tới vài ngàn USD/tháng. Vì thế anh đã cùng 4 người bạn cùng quê lên đường bay vào Thành phố Hồ Chí Minh và được các đối tượng dẫn dắt vượt biên trái phép để sang Campuchia.

Theo đại diện Đoàn 3 Cục phòng chống ma túy, tội phạm Bộ Tư lệnh Biên phòng; bằng thủ đoạn lập các trang mạng xã hội như Hội người Việt tại Campuchia, Tìm kiếm việc làm tại Campuchia, khi các công dân Việt Nam có nhu cầu tìm kiếm việc làm thì các đối tượng này đã kết bạn rồi, dụ dỗ, dẫn dắt người dân xuất cảnh bằng cả đường chính ngạch và cả xuất cảnh trái phép, rồi sau đó bán cho các chủ lao động nước ngoài khác đang thuê đất và kinh doanh tại Campuchia.

"Khi người dân sang đấy thực hiện các công việc thì thấy không đúng như quảng cáo, rồi bị ép doanh thu, ví dụ trong 1 tháng phải mời khách hàng đóng số tiền bao nhiêu vào trong đấy, nếu không đạt được doanh thu thì phải nộp bằng tiền phạt. Có ý định bỏ trốn thì bắt ký cam kết, rồi yêu cầu gia đình đóng tiền chuộc" - Trung tá Nguyễn Đức Việt - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên - Kiên Giang nói.

Việc đi làm, kiếm tiền là nhu cầu hết sức chính đáng của người dân, nhất là những gia đình kinh tế khó khăn. Nhưng việc xuất cảnh sang Campuchia để tìm việc làm thông qua các trang mạng xã hội và lời giới thiệu mồm tiềm ẩn nhiều hệ lụy rủi ro. Do vậy, mỗi người dân hãy tỉnh táo. Bởi chẳng bao giờ có chuyện làm việc nhẹ mà lại được hưởng lương cao và "miếng phô mai chỉ có sẵn trên cái bẫy chuột" .

Kể từ đầu năm 2021 đến nay, hàng chục ngàn lượt lao động người Việt Nam đã tìm đường sang Campuchia để tìm kiếm việc làm. Trong đó có tới hàng ngàn người xuất cảnh trái phép. Tuy nhiên khi sang đến Campuchia, thay vì nhận được những mức lương như hứa hẹn, những người này đã bị trấn lột, bị ép làm việc, quỵt tiền lương, bị đánh đập, xích tay, trói, nhốt, thậm chí mất mạng. Chỉ có những ai may mắn được giải cứu thì lúc ấy những người ở nhà mới biết được một phần sự thật.

Giải cứu

Tỉnh dậy sau một đêm được lực lượng Biên phòng tỉnh Kiên Giang phối hợp với lực lượng chức năng của nước bạn Campuchia giải cứu khỏi Thành phố cảng Sihanoukville. Chàng trai 30 tuổi người Nghệ An này vẫn không thể tin được, mình vẫn còn sống để về Việt Nam.

Nạn nhân bị bóc lột sức lao động khi sang Campuchia kiếm việc làm: "Người ta nhốt rồi còng tay 24/24. Treo ngủ; ngồi không ngồi được, đứng không đứng được. Kêu cứu thì chả biết kêu cứu ai. Khi ở bên ấy thì nghĩ làm sao mà giữ được mạng, hy vọng về thì phải là kỳ tích chứ không nghĩ có thể về được Việt Nam nữa rồi".

Cùng được giải cứu với chàng trai người Nghệ An này còn có 8 thanh niên nam, nữ khác ở các tỉnh Hà Nam, Nam Định và Hải Dương. Họ là bạn bè ở quê và cùng rủ nhau xuất cảnh trái phép sang Campuchia để tìm việc làm, thông qua lời giới thiệu tuyển người trên các mạng xã hội với mức lương 30-40 triệu đồng/1 tháng bao ăn ở. Tuy nhiên làm mãi không được trả lương đến khi hỏi thì bị xích tay và cho nhịn ăn. May mắn trong quá trình bị giam giữ, nhờ lòng tốt bụng của bác bảo vệ người bản xứ nên mới liên lạc được ra ngoài và được giải cứu.

Theo đại diện Đồn Biên phòng Hà Tiên, từ đầu năm 2021 tới nay, chỉ riêng tại Đồn Biên phòng Hà Tiên đã giải cứu và tiếp nhận từ các lực lượng của Campuchia và lãnh sự quán Việt Nam tại Shihanukville Campuchia hơn 200 công dân Việt Nam bị lừa đưa sang để làm việc trong các công ty, cơ sở game, các dịch vụ giải trí và các công ty tại Congpongsom.

Trung tá Nguyễn Đức Việt - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên - Kiên Giang cho biết: "Qua quá trình giải cứu và tiếp nhận, có rất nhiều trường hợp bị lừa sang đấy. Một số trường hợp không chịu đựng được thì người ta bỏ trốn, khi bỏ trốn thì bị chủ bắt lại, có trường hợp nhảy từ trên tầng 3 xuống, bị thương ở chân, ở người. Khi giải cứu đưa về Việt Nam thì phải đưa đi cấp cứu, phải đưa đi bệnh viên. Phụ nữ sang đó cũng được giới thiệu làm ở các cơ sở game, công ty game nhưng thực tế bị bán sang cơ sở mại dâm trá hình, trong quá trình ấy do không đảm bảo sức khỏe thì chủ cho sử dụng ma túy đá luôn".

Nằm ngay sát bên Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang, khu cách ly dành cho người nhập cảnh từ Campuchia về Việt Nam có khoảng hơn 200 người. Tuy nhiên hầu hết những người đang trong khu cách ly lại là những người vừa được giải cứu. Hãy cùng nghe tâm sự từ chính những con người vừa được giải cứu này.

Câu chuyện của những người được giải cứu

Nạn nhân được giải cứu: "Tất cả tiền nong, thủ tục, họ đều lo cho bọn em hết, bọn em đi là trong người không có một đồng nào luôn".

Nạn nhân được giải cứu: "Khi tuyển người vào các cái Job ấy thì họ ghi là chỉ cần biết sơ sơ máy tính nhưng thực ra người ta trả lương với mức lương từ 800 đô đến tận mấy ngàn đô một tháng thì chỉ có lừa. Chỉ có lừa sang đến nơi rồi bán ấy ạ".

Nạn nhân được giải cứu: "Bọn em chỉ muốn là đi để kiếm tiền thôi nhưng em không ngờ, khi vào đến công ty đấy là bị lật bài ngửa luôn. Nó thu giấy tờ, chứng minh thư các thư thì nó đưa cho thằng chủ. Điện thoại thì nó không thu nhưng nó mua Sim cho, nó khống chế là chỉ có nó gọi cho mình được chứ mình không gọi được cho nó. Thì cái Sim đó có nghĩa là bọn em đi đâu nó cũng biết. Tất cả hợp đồng như đã hứa khi em ở Hải Dương thì thế nhưng khi sang đến công ty bên đấy thì nó lật bài ngửa luôn. Kiểu nó bán người ấy, chứ không phải sang làm việc ấy".

Nạn nhân được giải cứu: "Người ta cứ bắt phải đi lừa đảo này kia, nói chung đủ hết các kiểu và hình thức như cờ bạc online, chứng khoán,rồi tiền ảo. Tiếp cận thì bằng hình thức như Zalo, Facebook này kia. Nói chung nhẹ dạ cả tin thì…với lại người ta tuyển người Việt thì thị trường của họ là thị trường Việt, đối tượng bị lừa đảo là người Việt. Nói chung xác định sang đấy làm thì là…Em đi làm hơn 1 năm, nói chung em về thì không có tiền nhưng về còn mạng là vui lắm rồi. Chứ lúc còn bên ấy là em nghĩ không thể về được cơ. Em bị người ta giam tầm khoảng 15 ngày,ngày nào cũng cứ còng tay xong treo lên ấy. Có người mất mạng bên ấy, nói chung cũng nhiều.

Nạn nhân được giải cứu: "Khi em được Bộ đội Biên Phòng giải cứu về Việt Nam em rất là vui mừng, gần như là được sống lại một lần nữa".

Mới đây, trên trang web Tổng đài Quốc gia 111, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã phát đi lời cảnh báo về lời mời chào việc nhẹ lương cao đi làm tại Campuchia.

Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia khuyến nghị mọi công dân đề cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ bản thân và gia đình mình. Cảnh giác với các mối quan hệ qua mạng xã hội, hứa hẹn việc làm nhàn hạ, thu nhập cao để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động, tổ chức nhập xuất nhập cảnh bất hợp pháp, hứa hẹn giúp đỡ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nhằm lừa bán ra nước ngoài để cưỡng ép kết hôn, bóc lột tình dục, sinh con ở nước ngoài rồi bán trẻ sơ sinh.

Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là những người lạ, người không thân quen. Không sang Campuchia tìm việc làm thông qua các hoạt động tuyển dụng trên mạng; không có địa chỉ hoặc tư cách pháp nhân ở Việt Nam, tổ chức nhập cảnh Campuchia qua đường tiểu ngạch.

Vì sự an toàn của mỗi người và mọi người - trường hợp cần hỗ trợ hoặc cung cấp thông tin liên quan đến tội phạm buôn bán người tại Campuchia, đề nghị liên hệ: Tại Campuchia - số điện thoại 00855-974056789; tại Việt Nam - Tổng đài bảo hộ công dân 0084-981 84 84 84.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước