Xây dựng báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại

Theo VTV.net-Thứ tư, ngày 11/01/2023 11:03 GMT+7

Tổng Giám đốc Đài THVN Lê Ngọc Quang phát biểu chào mừng Hội nghị

VTV.vn - Tổng Giám đốc Đài THVN Lê Ngọc Quang nhấn mạnh, năm 2022, báo chí Việt Nam đã đạt được các mục tiêu tuyên truyền và sự chuyển biến đáng ghi nhận.

Ngày 10/1/2032, tại Đài Truyền hình Việt Nam đã diễn ra Hội nghị giao ban Báo chí cuối năm. Hội nghị đã nghe báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 cùng một số vấn đề về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí trong thời gian tới.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Tổng Giám đốc Đài THVN Lê Ngọc Quang khẳng định: Năm 2022, nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự đồng hành của các bộ, ban, ngành... báo chí Việt Nam đã đạt được các mục tiêu tuyên truyền và sự chuyển biến đáng ghi nhận.

Mặc dù, những tháng đầu năm, dịch COVID-19 vẫn còn tác động sâu rộng tới nhiều mặt kinh tế, xã hội và gây ra nhiều khó khăn cho việc tác nghiệp của các cơ quan báo chí nhưng trong công tác tuyên truyền, những người làm báo đã tuyên truyền nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, hiệu quả những sự kiện đặc biệt quan trọng đối với đời sống chính trị đất nước. Cùng với các cơ quan báo chí chủ lực, trong năm 2022, Đài THVN với rất nhiều sự kiện chính trị có yêu cầu cao, thời gian thực hiện gấp nhưng đã rất nỗ lực và đạt được những thành quả đáng ghi nhận.

Cuối cùng, với vai trò là cơ quan tổ chức Hội nghị, nhân dịp năm mới Quý Mão sắp tới, Tổng Giám đốc Lê Ngọc Quang gửi tới các đại biểu và các đồng nghiệp lời chúc sức khỏe, an khang, thịnh vượng và đạt nhiều thành công mới.

Xây dựng báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại - Ảnh 1.

Ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

Theo ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ, năm 2022, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra định hướng, quan điểm rõ ràng cho báo chí, đó là: Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Tính nhân văn, chính xác, khách quan là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí. "Nhân văn" hiểu một cách trực diện, đơn giản là việc báo chí kể những câu chuyện ý nghĩa, truyền cảm hứng, thổi bùng những giá trị tốt đẹp hoặc mang đến cho mỗi câu chuyện buồn vui trong cuộc sống một góc nhìn nhân văn, đồng cảm, hướng thiện, giúp hóa giải bế tắc. Đáng chú ý, qua gần 3 năm cả đất nước vượt qua đại dịch COVID-19 và hồi phục nền kinh tế, các cơ quan báo chí đã có nhiều chuyên mục tốt, tuyến bài hay, ý nghĩa, lay động cảm xúc người dân.

Xây dựng báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội nghị

Phát huy tính nhân văn của báo chí, góp phần định hướng xã hội đến những điều tốt đẹp là nhiệm vụ quan trọng đối với cơ quan báo chí. Muốn làm được điều đó cần chú trọng nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong cơ quan báo chí, văn hóa con người làm báo. Nhằm lan tỏa, tạo động lực, động viên, khuyến khích, cổ vũ người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cả hệ thống chính trị, ngày 9/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1526/QĐ-TTg ban hành Đề án "Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022-2025." Đề án coi báo chí là lực lượng tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, nhân tố nổi trội, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội. Thực hiện Quyết định số 1256 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và truyền thông đã đề nghị các cơ quan truyền thông chủ lực, các cơ quan báo chí lớn, có sức ảnh hưởng, các cơ quan báo chí của bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ và hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo niềm tin và ổn định xã hội.

Mặc dù vậy, trong năm 2022, vẫn còn nhiều tin, bài báo thiếu tính nhân văn, sa đà vào chạy theo thị hiếu giật gân để câu khách, câu view mà quên đi giá trị cốt lõi của báo chí. Không ít bài báo, nhà báo nặng về khai thác những vấn đề mặt trái của xã hội, phê phán một cách dễ dãi, tùy tiện, thậm chí nâng quan điểm, đưa tin thiếu kiểm chứng, quy chụp tội danh, kết luận thay các cơ quan có thẩm quyền. Thông tin sai lệch, không kiểm chứng có thể khiến một doanh nghiệp lụn bại, hàng trăm, hàng ngàn người lao động mất việc làm, hoặc làm mất danh dự, đảo lộn cuộc sống một con người.

Xây dựng báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cũng cho rằng, báo chí cần tham gia sâu, rộng hơn nữa vào hoạt động truyền thông chính sách; tăng cường năng lực phân tích, giải thích, định hướng, tạo sự đồng thuận để người dân hiểu, tin theo. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước cũng cần làm tốt hơn nữa việc cung cấp thông tin cho báo chí, tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí để công tác truyền thông chính sách bảo đảm hiệu quả. Năm 2023, các cơ quan báo chí, truyền thông cần tiếp tục tập trung giải quyết các vấn đề liên quan tới chuyển đổi số, cơ chế đặt hàng báo chí và đặc biệt là vấn đề kinh tế báo chí.

Xây dựng báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại - Ảnh 4.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam chia sẻ: Năm 2022 tiếp tục đặt ra rất nhiều thách thức và cả cơ hội, đòi hỏi báo chí phải đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí. Điều này đòi hỏi báo chí phải thực sự chuyển mình, nắm bắt xu thế, công nghệ để khẳng định vị thế, vai trò trong đời sống xã hội. Sứ mệnh của báo chí là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, khi người dân muốn thông tin tốt thì báo chí phải làm tốt hơn. Các cơ quan báo chí phải kiên quyết khắc phục tình trạng rời xa tôn chỉ mục đích, lợi ích nhóm, gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp. Bên cạnh làm tốt hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi hội viên, thời gian tới Hội nhà báo Việt Nam cũng sẽ tăng cường việc đào tạo cả với hình thức trực tiếp và gián tiếp. Đào tạo ở đây không chỉ là các kỹ năng cơ bản của báo chí mà phải theo các cấp độ khác nhau và phải luôn cập nhật các xu hướng phát triển của báo chí thế giới và khu vực. Cùng với việc tiếp tục thực hiện 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, việc triển khai phong trào "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" là một cách thức nhằm chấn chỉnh, siết chặt kỷ cương, góp phần giúp mỗi cơ quan báo chí, người làm báo tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong "sứ mệnh của người cầm bút".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước