Cần tính toán kĩ lưỡng trong xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia
Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia được xem là yêu cầu cấp bách, là nền tảng cốt lõi để đẩy mạnh Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, nhưng lại là vấn đề mới, chưa từng có tiền lệ.
Chuyển đổi số là yêu cầu sống còn đối với tất cả quốc gia trong thời đại công nghệ. Cốt lõi của chuyển đổi số thì lại là dữ liệu và kết nối dữ liệu.
Cuối tháng 1, chủ trương xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Cuối tuần trước, Hội thảo cấp quốc gia lần thứ nhất về xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia đã được tổ chức với chủ đề "Xác lập chiến lược dữ liệu đúng đắn tạo sức bật phát triển kinh tế xã hội". Đây là một sự kiện đáng chú ý, đánh dấu bước đi đầu tiên trong việc hình thành Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Hội thảo cấp quốc gia lần thứ nhất xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia với chuyên đề “Xác lập chiến lược dữ liệu đúng đắn tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội”. Ảnh: VGP
Theo Bộ Công an, tại Việt Nam, quá trình triển khai Chính phủ điện tử, đặc biệt là việc thực hiện đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia" đang gặp một số khó khăn. Đó là nhân lực, hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đảm bảo an ninh an toàn, cơ sở dữ liệu bị trùng lặp...
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mặc dù đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 12 bộ, ngành; 35 địa phương và 4 doanh nghiệp nhà nước nhưng đây mới chỉ là kết nối về vật lý, chưa đạt chuẩn kết nối, để chia sẻ, khai thác dùng chung.
Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia là phù hợp với xu thế hiện nay. Việc quản trị vận hành Trung tâm, vấn đề hạ tầng, nền tảng công nghệ...cho Trung tâm này như thế nào để hoạt động hiệu quả và thực chất cũng là những vấn đề cần tính toán kĩ lưỡng trong quá trình xây dựng đề án này.
Khắc phục điểm nghẽn, tạo sự tin tưởng để người dân tham gia vào hệ sinh thái số
Cách đây hơn 1 năm, Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, nhìn đến năm 2030" (còn gọi là Đề án 06) chính thức vận hành. Tiếp đó, đến tháng 8/2022, Bộ Công an ra mắt Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư. Có thể nói việc triển khai các đề án về dữ liệu dân cư đã đem lại rất nhiều kinh nghiệm, cả về những mặt tích cực và tồn tại.
Hàng nghìn dịch vụ công tích hợp lên Cổng dịch vụ công
Sau 1 năm triển khai Đề án, 25 nhóm dịch vụ công thiết yếu đã bước đầu đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Ngoài 25 dịch vụ công thiết yếu, hiện đã có 3.000 dịch vụ công tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tuy nhiên, bước đầu vẫn còn những khó khăn khi thực hiện các thủ tục. Ở nhiều phường trên địa bàn Hà Nội, hệ thống mạng Cổng dịch vụ có thể bị treo, nghẽn. Kết quả dịch vụ công trực tuyến được chuyển qua Zalo hay tin nhắn cho người dân lại không có dấu đỏ mà chỉ hiển thị mã QR và chữ ký số nên không được một số đơn vị chấp thuận.
Ngoài ra, người dân vẫn còn tâm lý e ngại, sợ lộ thông tin cá nhân khi thực hiện các dịch vụ công trên mạng, sợ bị xâm phạm quyền riêng tư với những ứng dụng yêu cầu xác thực vị trí, những sản phẩm hộ chiếu gắn chip điện tử...
Rõ ràng, một số điểm nghẽn cần khắc phục triệt để, tạo sự tin tưởng và tham gia nhiệt tinh của đông đảo người dân vào hệ sinh thái số.
Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia được xem là yêu cầu để đẩy mạnh Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số
Tại các nước phát triển, việc xây dựng nguồn dữ liệu lớn đã được tiến hành từ lâu, được xem là giải pháp quan trọng để cải thiện năng suất, hiệu suất và đổi mới trong quá trình cung cấp dịch vụ và hoạch định chính sách.
Chẳng hạn nước Anh tiết kiệm khoảng 20-41 tỷ USD hàng năm nhờ giảm gian lận và sai sót, cải thiện việc thu thuế thông qua phân tích dữ liệu lớn. Tương tự, chi phí hành chính của Liên minh Châu Âu giảm từ 15 đến 20%, tương đương hàng trăm tỷ USD.
Theo tính toán, khi các bộ, ngành, địa phương kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính sẽ giảm chi phí cho người dân khoảng 1.600 tỷ đồng mỗi năm. Đây mới chỉ là con số tạm tính từ việc không phải sao, chụp, chứng thực hoặc kê khai nhiều lần các thông tin cơ bản. Đó là chưa kể việc tiết kiệm thời gian, công sức cho nhân dân, giảm tham nhũng, đảm bảo tính chính xác, hiệu quả của các quy hoạch phát triển…
Vì vậy, hơn lúc nào hết cần quán triệt quan điểm Trung tâm dữ liệu quốc gia là tài sản quốc gia chứ không phải của bộ ngành nào. Khi có sự đồng lòng, sẽ có giải pháp vì lợi ích chung, và lợi ích lớn nhất chính là sự hưởng thụ của người dân.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!