Thành tựu thực hiện chính sách giảm nghèo
Giảm nghèo là một chính sách an sinh lớn của Việt Nam được cả hệ thống chính trị quan tâm và dành nhiều nguồn lực. Mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn 2021 - 2025 là tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1 - 1,5%/năm.
Theo thống kê, năm nay, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm thêm 1%, hiện còn 1,93%. Đây là thành quả đáng tự hào của công tác giảm nghèo, tuy nhiên cũng cần tiếp tục nỗ lực để vượt qua những thách thức, chống tái nghèo cho các hộ gia đình, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Được nhận đôi bò từ chương trình giảm nghèo của huyện, đến nay, gia đình ông Giằng (xã Văn Nghĩa, Lạc Sơn, Hòa Bình) đã nhân giống lên thành 2 con trâu. Tiền bán bò cộng với các loại hoa màu được trên 50 triệu giúp ông trả được vốn vay và tiếp tục tái đầu tư mở rộng đàn.
Cũng nhận được sự hỗ trợ ban đầu như ông Giằng nhưng gia đình chị Bùi Thị Thu (xã Văn Nghĩa, Lạc Sơn, Hòa Bình) lại có hướng đi khác. Thu nhập từ đàn bò được chị đầu tư vào trồng cây ăn quả. Vườn bưởi ngọt với 300 gốc cùng nhiều cây ăn quả khác dự kiến cho thu nhập 80 triệu đồng/năm. Gia đình chị đã ra khỏi danh sách hộ nghèo từ năm 2022 và đang dần vươn lên khá giả.
Kinh nghiệm giảm nghèo từ các địa phương cho thấy, mức hỗ trợ cao cũng không hiệu quả bằng việc tạo ra sinh kế tốt, bền vững. Tại Lạc Sơn, nhiều gia đình sau hỗ trợ ban đầu của địa phương, đã tự tạo ra việc làm cho chính mình và cả mọi người xung quanh.
Đầu năm 2024, Lạc Sơn vẫn còn gần 30% số hộ nghèo, cận nghèo trên tổng số gần 70.000 hộ. Dù trong tốc độ giảm nghèo nhanh, nhưng cuối năm 2024, Lạc Sơn vẫn còn gần 22% số hộ nghèo và cận nghèo.
Bước vào năm 2025, sau những năm dịch bệnh, kinh tế thế giới suy thoái cộng với những tác hại của bão lụt mới đây, đời sống của các hộ nghèo bị ảnh hưởng khá nhiều. Tuy nhiên với sự nỗ lực của Chính phủ, các địa phương và của chính người dân, công cuộc xóa đói giảm nghèo vẫn giữ vững được các thành quả và còn có bước tiến mới khi số hộ nghèo liên tục giảm dần qua các năm.
Xây nhà mới - động lực để hộ nghèo vươn lên
Nếu như trước đây, việc đánh giá hộ nghèo chỉ dựa vào mức thu nhập bình quân theo đầu người thì từ khi có chuẩn nghèo đa chiều, việc xác định hộ nghèo còn dựa vào nhiều yếu tố khác, trong đó có tình trạng và diện tích nhà ở.
315.000 hộ nghèo trên cả nước đã nhận được hỗ trợ từ Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo để sửa chữa hoặc xây mới nhà ở. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)
Xây nhà cho người nghèo cũng góp phần đẩy nhanh việc hoàn thành mục tiêu giảm nghèo. Mặt khác, có nhà ở mới cũng là một động lực để giúp các hộ nghèo phấn đấu vươn lên.
Nhà anh Thoa thuộc diện hộ nghèo ở Mường Ảng, Điện Biên. Trở về quê sau thời kỳ dịch bệnh, được địa phương hỗ trợ 60 triệu đồng, anh đã mạnh dạn vay thêm 70 triệu đồng của ngân hàng chính sách để làm nhà và tìm việc làm mới.
Hiện nay, anh Thoa đã có việc làm với thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng. Vườn rừng của gia đình cũng được chuyển sang trồng cây mắc ca cho thu nhập tốt hơn.
Huyện Mường Ảng, Điện Biên đã ra khỏi danh sách huyện đặc biệt khó khăn vào năm 2025 nhờ hiệu quả của chính sách giảm nghèo.
"Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và triển khai tốt tín dụng chính sách xã hội để các hộ nghèo và các đối tượng khác tiếp cận được nguồn vốn, giúp các hộ gia đình giải quyết công ăn việc làm cũng như triển khai các dự án giảm nghèo nhằm xây dựng kinh tế gia đình, thoát khỏi huyện đặc biệt khó khăn", ông Nguyễn Tiến Đạt (Bí thư Huyện ủy Mường Ảng, Điện Biên) cho biết.
315.000 hộ nghèo trên cả nước đã nhận được hỗ trợ từ Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo để sửa chữa hoặc xây mới nhà ở. Nhiều hộ sau khi xây nhà đã có kế hoạch làm việc để kiếm tiền trả nợ và cải thiện kinh tế gia đình. Điều này là minh chứng rõ ràng về lợi ích hỗ trợ giảm nghèo khi người dân có được nơi ở mới.
Tạo sinh kế đồng thời tạo điều kiện để người dân được sống trong điều kiện tốt hơn sẽ gợi mở cho họ mong muốn về cuộc sống đầy đủ, không còn nghèo khó. Chính mong muốn này sẽ giúp họ chiến thắng được sức ì đã tồn tại nhiều năm.
Xây nhà mới cho người nghèo không chỉ cải thiện điều kiện sống, mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của các gia đình khó khăn, tuy nhiên để mang lại hiệu quả lâu dài, cần kết hợp với các chương trình khác như tạo việc làm, giáo dục, y tế… cho người nghèo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!