Xóa bỏ cơ sở giết mổ tự phát: Khó nhưng không phải là không thể

VTV Digital-Thứ hai, ngày 08/05/2023 12:11 GMT+7

VTV.vn - Cần xóa bỏ dứt điểm những lò mổ giết mổ gia súc gia cầm nhỏ lẻ, tự phát để tiến tới phát triển các lò mổ tập trung và công nghiệp.

Khu dân cư bất an vì giết mổ gia súc, gia cầm tự phát

2h sáng, mổ lợn rồi giết gà, vịt... - bản "hợp ca" xuyên suốt tại khu dân cư kể cả ngày mưa hay nắng, khi lễ, Tết thì càng tất bật. Không dừng lại ở âm thanh, giết mổ tự phát đã phát tán mùi hôi thối khắp nơi.

Người dân chợ Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: "Giết mổ ở đây là tự phát, không tập trung là phải có mùi rồi", "Mùi gà vịt bẩn nên ít người vào đây lắm. Người ta chưa vào đến nơi là đã chạy rồi".

Xóa bỏ cơ sở giết mổ tự phát: Khó nhưng không phải là không thể - Ảnh 1.
Xóa bỏ cơ sở giết mổ tự phát: Khó nhưng không phải là không thể - Ảnh 2.

Cùng là buôn bán trong chợ nhưng khu giết mổ tự phát đã gây không ít phiền toái cho những tiểu thương lân cận.

Tiểu thương chợ Đông Phương Yên, Huyện Chương Mỹ, Hà Nội chia sẻ: "Ý kiến lên trên rồi nhưng đâu lại vào đấy", "Người ta nói thẳng thơm tho thì ngành may mới thơm tho chứ giết mổ làm sao thơm tho được", "Ai cũng muốn sạch nhưng ai cũng sợ nên không ai lên tiếng được".

Người dân lân cận không dám lên tiếng, người dùng bạt để che chắn tạm, người chỉ biết cửa kín trong nhà.

Xóa bỏ cơ sở giết mổ tự phát: Khó nhưng không phải là không thể - Ảnh 3.
Xóa bỏ cơ sở giết mổ tự phát: Khó nhưng không phải là không thể - Ảnh 4.
Xóa bỏ cơ sở giết mổ tự phát: Khó nhưng không phải là không thể - Ảnh 5.

Người dân chợ Đông Phương Yên, Huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho hay: "Ruồi bay vào nên phải đóng cửa thường xuyên. Vì họ bảo công việc của họ là phải thế nên mình cũng không có ý kiến được".

Vận động vào khu giết mổ tập trung - Chuyện trường kỳ

Theo thống kê, toàn TP Hà Nội hiện có 730 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhưng trong số này có tới hơn 90% là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn thịt gia súc, gia cầm được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội nhưng chỉ có 60% lượng thịt được cung cấp từ những cơ sở giết mổ được cấp phép. Hành vi giết mổ động vật không phép, không đảm bảo vệ sinh sẽ bị phạt hành chính từ 2 - 3 triệu đồng và cho dừng hoạt động.

Thực tế cho thấy, số tiền xử phạt này chẳng thấm vào đâu. Nhiều cơ sở giết mổ tự phát ở vùng ngoại thành Hà Nội vẫn ngang nhiên tồn tại. Sự tuyên truyền, quản lý, xử phạt của các cơ quan chức năng chính vì thế cũng tỏ ra kém hiệu quả với thực trạng này.

3 năm trước, nhiều cuộc tuyên truyền vận động lẫn xử phạt đã diễn ra và nay, chuyện cũ vẫn như mới. Cụm từ "tuyên truyền vận động" tiếp tục được chính quyền địa phương nhắc đến.

Ông Phùng Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND xã Sen Phương, Phúc Thọ, Hà Nội - cho biết: "Địa phương sẽ làm tốt công tác tuyên truyền vận động trong thời gian tới. Cái này là một việc khó song chúng tôi sẽ quyết tâm, dần từng bước để các hộ gia đình hiểu rõ, nhận thức được vấn đề để đến điểm giết mổ tập trung".

Xóa bỏ cơ sở giết mổ tự phát: Khó nhưng không phải là không thể - Ảnh 6.
Xóa bỏ cơ sở giết mổ tự phát: Khó nhưng không phải là không thể - Ảnh 7.

Kết quả của công tác vận động có ngay tức thì nhưng trớ trêu là điểm giết mổ tập trung từ vài hộ đến tham gia thì nay chỉ còn mỗi gia đình của chủ cơ sở.

Mặc dù điểm giết mổ tập trung đã có nhưng nhiều hộ giết mổ tự phát mặc nhiên không thừa nhận. Rồi những lý do phi lý được biện giải lại cho hợp lý: "Em làm thời gian cũng ngắn và cũng ít. Cả làng em làm chứ không phải riêng em".

Cả làng cứ thế noi gương nhau giết mổ tự phát. Điểm giết mổ lọt giữa hai vách tường nhà. Với người chủ, chỉ cần vậy đã đạt chuẩn. Để uy tín hơn, có chủ lò đã dựng trại ngay trên đất nông nghiệp để giết mổ với những cam đoan chắc nịch: "Nhà em có đầy đủ giấy tờ đăng ký kinh doanh và thực phẩm sạch. Giấy thì huyện cấp".

Xóa bỏ cơ sở giết mổ tự phát: Khó nhưng không phải là không thể - Ảnh 8.
Xóa bỏ cơ sở giết mổ tự phát: Khó nhưng không phải là không thể - Ảnh 9.

Giấy có chữ gì và ai ký xác nhận!? Thắc mắc chưa kịp tỏ thì đã mịt mờ.

Khó phát triển lò mổ tập trung - Vì đâu nên nỗi?

Câu chuyện trên diễn ra ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Cách đây 3 năm, phóng viên Chuyển động 24h từng phản ánh về vấn đề này. Khi ấy có khoảng 5 hộ đã tham gia vào khu giết mổ tập trung, bây giờ thì không còn ai nữa. Họ nói rằng làm ở nhà tiện hơn, họ chỉ làm ít chứ không nhiều và thấy tiếc số tiền phải đóng cho lò mổ tập trung là 30.000 đồng cho 1 con lợn.

Rất nhiều lý lẽ được viện dẫn nhưng các lò giết mổ tự phát là trái với quy định pháp luật. Cùng với việc dẹp bỏ các lò mổ nhỏ lẻ, việc xây dựng các lò mổ tập trung cần phải được tiến hành song song. Điều này không chỉ góp phần phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường mà còn góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Thế nhưng, việc hình thành mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng lại đang gặp không ít rào cản.

Xóa bỏ cơ sở giết mổ tự phát: Khó nhưng không phải là không thể - Ảnh 10.
Xóa bỏ cơ sở giết mổ tự phát: Khó nhưng không phải là không thể - Ảnh 11.

"Nhà mình rất sạch sẽ, chu đáo, mọi cái không để ai kêu ca cả" - chưa có ai kêu ca phần cũng bởi hàng xóm xung quanh đều là anh em trong nhà. Nơi giết mổ dù được dọn dẹp sạch sẽ, có hệ thống xử lý chất thải bằng hầm bioga nhưng cuối cùng vẫn ra đường hệ thống nước thải sinh hoạt của khu dân cư. Để đảm bảo môi trường, việc tuyên truyền để các hộ nhỏ lẻ vào lò mổ tập trung đã có nhưng chưa ai đồng tình.

Ông Lê Văn Minh - chủ cơ sở giết mổ gia súc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội - cho biết: "Giết mổ nhỏ lẻ này vẫn đang hiệu quả, vẫn làm tốt, đang phát triển được. Chủ trương thì tốt nhưng ở Sóc Sơn chưa thực thi được".

Chưa được là vì họ chưa muốn. Nhưng nhỡ họ muốn thì cũng chưa được. TP Hà Nội đã quy hoạch cho huyện Sóc Sơn 3 điểm giết mổ tập trung nhưng sau 3 năm vẫn chưa hoàn thành.

Hà Nội hiện có lượng gia súc, gia cầm đứng tốp đầu cả nước. Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ lại chiếm hơn 60%. Sản phẩm từ lò mổ lại khó cạnh tranh với thịt bán tự do ngoài thị trường nên sự mặn mà của doanh nghiệp căn bản là không có.

Ông Đào Quang Vinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vinh Anh - cho hay: "Lý do quan trọng nhất vẫn là thói quen tiêu dùng. Người dân vẫn có thói quen sử dụng thịt nóng, còn việc kêu gọi các nhà đầu tư tôi nghĩ không phải là khó. Chi phí đầu tư của một nhà máy tầm 100 tỉ thì có rất nhiều người có thể làm việc đấy nhưng họ lo ngại sau khi đầu tư xong thì nhà máy có vận hành được không hay là cũng rơi vào tình trạng ì ạch".

Xóa bỏ cơ sở giết mổ tự phát: Khó nhưng không phải là không thể - Ảnh 12.
Xóa bỏ cơ sở giết mổ tự phát: Khó nhưng không phải là không thể - Ảnh 13.

Bắt đầu từ một cơ sở nhỏ lẻ, một ông chủ doanh nghiệp đã bỏ một số tiền rất lớn để xây dựng lò mổ công nghiệp. Nhưng khi nhiều nhất thì cũng chỉ sử dụng được 30% công suất. Còn quá nhiều điểm nghẽn chưa thể khai thông để phát triển lò mổ tập trung trong khi mục tiêu đó lại được đánh giá là cấp thiết và cấp bách.

Do vậy, việc xóa bỏ lò mổ tự phát không phải là chuyện riêng của các hộ kinh doanh thực phẩm hay ngành thú y mà nó là mục tiêu phải thực hiện để đảm bảo lợi ích của cộng đồng.

Xóa bỏ lò mổ nhỏ lẻ không phải là nhiệm vụ bất khả thi

Cách đây 3 năm, thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định để phê duyệt mạng lưới giết mổ trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2030 sẽ có 29 cơ sở. Mục tiêu là thế nhưng hiện nay mới chỉ có 12/29 cơ sở đi vào hoạt động. Với rất nhiều rào cản về tâm lý hộ kinh doanh đến những e ngại của nhà đầu tư cùng sự vào cuộc thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng, mục tiêu này sẽ rất khó trở thành hiện thực.

Khó nhưng không phải là không thể. Sau 11 năm, tức là từ năm 2012 đến nay, Hà Nội đã giảm được 80% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Đó cũng là một bước chuyển biến rất đáng để ghi nhận.

Phát triển hệ thống giết mổ tập trung có thể chỉ là chính sách vĩ mô, không liên quan cũng chẳng ảnh hưởng đến nhiều người. Nhưng không phải như vậy, người dân đang phải hứng chịu những hậu quả nặng nề về ô nhiễm khi sống gần khu giết mổ tự phát. Người tiêu dùng cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành chăn nuôi khó có thể phát triển và khó kiểm soát dịch bệnh… Quá nhiều lý do để thấy chủ trương của Nhà nước là cần thiết. Thực tế đã có những bài học kinh nghiệm cho thấy việc xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ là khả thi.

Xóa bỏ cơ sở giết mổ tự phát: Khó nhưng không phải là không thể - Ảnh 14.

Khu đất trước đây là lò mổ Thịnh Liệt do nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường nên đã bị xóa bỏ vào năm 2011. Khi nơi này đóng cửa, các lò mổ tự phát lại bùng lên. Để giải quyết thực trạng đó, một lò mổ tập trung mới đã được triển khai ngay ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì.

Năm 2012, cơ sở giết mổ tập trung này đi vào hoạt động với công suất giết mổ gần 2.000 con/ngày đêm. Tất cả lợn được đưa vào đây đều phải có nguồn gốc xuất xứ và phải qua chốt kiểm dịch động vật.

Xóa bỏ cơ sở giết mổ tự phát: Khó nhưng không phải là không thể - Ảnh 15.
Xóa bỏ cơ sở giết mổ tự phát: Khó nhưng không phải là không thể - Ảnh 16.

Chỉ với chi phí 30.000 đồng/con, các hộ kinh doanh đều thấy được lợi ích khi tham gia vào khu giết mổ tập trung. Trong khi đa phần các huyện vùng ven của Hà Nội đều còn tồn tại rất nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ gây ô nhiễm thì từ chục năm trước, trên địa bàn huyện Thanh Trì đã không còn tình trạng này.

Sự quyết liệt của các cơ quan chức năng sẽ là phương pháp mấu chốt để giải quyết vấn đề. Nhưng nếu sự quyết liệt ấy nếu chỉ thể hiện ở những buổi kiểm tra, xong rồi để đấy thì vấn nạn này sẽ không thể dẹp bỏ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước