Xử lý các trường hợp không uống rượu nhưng có nồng độ cồn khi kiểm tra thế nào?

Minh Đức-Thứ hai, ngày 20/02/2023 15:32 GMT+7

VTV.vn - Nếu không uống rượu, bia mà vẫn phạm nồng độ cồn khi kiểm tra thì người dân có thể yêu cầu CSGT đưa đi xét nghiệm máu tại cơ sở y tế để có kết quả chính xác nhất.

Sau thời gian triển khai các biện pháp kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, Công an thành phố Hà Nội đã ghi nhận những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, một số người dân cũng lo ngại nếu xảy ra khi có những trường hợp không uống rượu, bia mà máy đo vẫn hiển thị thông số nồng độ cồn, thì cần phải làm gì để chứng minh, để không bị xử phạt.

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 đã quy định hành vi cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Như vậy, nồng độ cồn bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP là người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, rất nhiều địa phương đã tích cực triển khai việc kiểm soát, đo nồng độ cồn và đóng góp tích cực giảm tình trạng tai nạn giao thông do việc uống rượu, bia.

Tuy nhiên, cũng phát sinh một số tình huống bất cập, xảy ra khi có những trường hợp không uống rượu, bia mà máy đo vẫn hiện thị thông số nồng độ cồn. Ví dụ như các trường hợp có thể ngậm cồn y tế hoặc thuốc giảm đau điều trị đau răng. Chúng ta biết cơ chế lên men do ăn trái cây, cũng có thể lên men cồn, khiến cho những người này khi bị đo nồng độ cồn cảm thấy bức xúc, không phục với kết quả đo nhưng cũng không biết làm thế nào chứng minh mình không uống rượu, bia.

Nếu trường hợp chưa rõ ràng qua hơi thở có nồng độ cồn thì có thể yêu cầu cảnh sát giao thông đưa đi xét nghiệm máu tại cơ sở y tế gần nhất sẽ có kết quả chính xác. Việc sử dụng thuốc hay đồ uống, thức ăn chắc chắn sẽ không đủ để lên nồng độ cồn khi xét nghiệm máu.

Căn cứ Điều 4 Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định cơ sở y tế được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi đủ các điều kiện sau đây:

Có khoa xét nghiệm hoặc phòng xét nghiệm hoặc bộ phận xét nghiệm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt danh mục kỹ thuật định lượng nồng độ cồn trong máu.

Có máy sinh hóa xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, thiết bị bảo quản và lưu mẫu máu xét nghiệm.

Có cán bộ xét nghiệm đã có văn bằng đào tạo hoặc giấy chứng nhận về chuyên ngành xét nghiệm, nắm vững được quy trình xét nghiệm định lượng nồng độ cồn trong máu.

Nếu kết quả xét nghiệm máu không có nồng độ cồn thì người tham gia giao thông sẽ không bị lập biên bản vi phạm.

Điều 6 Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA cũng quy định người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm Luật giao thông đường bộ phải chi trả chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan nhà nước

Vì vậy, người dân nên cân nhắc việc yêu cầu CSGT đưa đi xét nghiệm máu, nếu đã sử dụng rượu bia thì không nên yêu cầu đưa đi xét nghiệm để tránh mất thời gian và làm tăng chi phí của chính bản thân mình.

Tài xế xe khách vi phạm nồng độ cồn vẫn chở học sinh đi tham quan Hà Nội Tài xế xe khách vi phạm nồng độ cồn vẫn chở học sinh đi tham quan Hà Nội

VTV.vn - Công an TP Hà Nội đang xử lý một lái xe có nồng độ cồn nhưng vẫn lái xe chở 16 người trong đó có nhiều học sinh.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước