Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã phối hợp với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PT-TH&TTĐT, Bộ TT-TT), Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cùng các đơn vị có liên quan rà soát, xử lý hơn 30 kênh, nhóm có nội dung độc hại đối với trẻ em.
Trong số này có những kênh có số lượng thành viên là trẻ em rất lớn như TimmyTV với gần 768.000 thành viên, nhóm Team2K9 có hơn 821.000 thành viên…
Cục An toàn thông tin cho biết, không gian mạng rất nhiều cạm bẫy khó lường với trẻ em nhưng không phải phụ huynh và các em nào cũng xử lý tốt.
Theo quy định của pháp luật, thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em từ đủ 7 tuổi được pháp luật bảo vệ và khi lên mạng phải có sự đồng ý của trẻ em từ. Cha mẹ không được tùy tiện đưa thông tin cá nhân của con cái lên mạng.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em. Trong đó, 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet, 43,4% có thời gian sử dụng trung bình từ 1-3 tiếng/ngày.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng phòng bảo vệ trẻ em, Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và xã hội cho biết, trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua, tổng đài 111 tiếp nhận khoảng 300 cuộc gọi của phụ huynh phản ánh về việc gia đình cảm thấy lo lắng, lúng túng khi phát hiện ra con mình có truy cập vào những trang thông tin xấu (web đen) trong quá trình sử dụng máy tính để học trực tuyến tại nhà.
Phương thức học trực tuyến là xu hướng giáo dục trong tương lai và đang được triển khai rộng rãi, ngay lập tức xuất hiện những vấn đề đáng lo ngại cho trẻ em khi sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo, các bậc phụ huynh luôn chú ý theo sát việc sử dụng Internet, nội dung trẻ tìm kiếm, ứng dụng trẻ sử dụng cũng như mối quan hệ của trẻ trên môi trường mạng; đồng thời quan tâm tới những thay đổi bất thường để đảm bảo trẻ em luôn được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!