Xuân sẻ chia, Tết yêu thương với học sinh, giáo viên khó khăn

Đỗ Hòa, Phùng Định-Thứ tư, ngày 11/01/2023 12:21 GMT+7

VTV.vn - Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nghĩa tình san sẻ trong những ngày cận kề Tết trở thành nguồn động lực để các em tiếp tục đi học và nuôi những ước mơ sau này.

Nỗ lực "nối chữ" cho học trò khó khăn

Theo chân các thầy cô giáo đến nhà của Hoa - một học sinh lớp 10 trường THCS Phan Thiết, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang - vào chập tối ngày giữa tháng Chạp. Đó là một căn nhà ít ánh sáng giữa lòng thành phố Tuyên Quang. Đồ đạc nửa là cũ hỏng nửa là nhặt nhạnh tận dụng. Sau hơn 1 tiếng chờ, 7h tối, mẹ Hoa về nhà.

Bố mẹ Hoa đều làm thợ xây, thợ hồ. Thu nhập của nghề với 3 đứa con ăn học chưa thể giúp họ tự hoàn thiện cho mình một mái nhà nhưng vẫn đủ tự hào vì con biết nghĩ. Người mẹ 44 tuổi chỉ sợ một điều là các con bỏ học.

Xuân sẻ chia, Tết yêu thương với học sinh, giáo viên khó khăn - Ảnh 1.
Xuân sẻ chia, Tết yêu thương với học sinh, giáo viên khó khăn - Ảnh 2.

Em Ngô Quỳnh Hoa - trường THCS Phan Thiết, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang - chia sẻ: "Thấy bố mẹ đi làm vất vả, cố gắng cho bọn em học, trang trải cuộc sống, mục tiêu lớn nhất là kiếm nhiều tiền mai sau cho bố mẹ đỡ khổ".

Sự quan tâm, động viên của cô thầy, bè bạn vun thêm niềm hạnh phúc cho cô bé 16 tuổi vượt khó học tập và hành trình của em có thêm sự cổ vũ không chỉ từ gia đình.

Chuyện ngày cuối năm của người giáo viên

Vẫn còn rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vất vả nhưng không ngừng học tập và vươn lên trong cuộc sống trên khắp đất nước ta. Cũng như Hoa, trong hành trình của các em, ngoài sự hi sinh, nỗ lực của cha mẹ, gia đình còn là sự đồng hành của nhà trường, thầy cô cùng bè bạn. Thế nhưng, chính trên hành trình đồng hành cùng với các em học sinh, mỗi một thầy cô cũng đều có cho mình những câu chuyện với những nỗi niềm riêng phía sau bục giảng.

Dù đã có lời giới thiệu của nhà trường nhưng phải thuyết phục mãi, nhóm phóng viên mới nhận được cái gật đầu đồng ý sẻ chia của cô Kim - giáo viên trường THPT Hàm Yên. Ngoài cái ngại ngần vì căn nhà tập thể chưa đầy 20m2 sau gần 20 năm gắn bó với nghề thì nỗi buồn mất người con duy nhất 5 năm trước giờ vẫn chưa thể nguôi ngoai.

Cô Ven Ngọc Kim - trường THPT Hàm Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang - ngậm ngùi: "Cháu bị u não, mất đã được 5 năm rồi… Những ngày lễ Tết mình cũng tủi thân. Có lúc cũng thấy mình như tự kỷ… Mong muốn lớn nhất là có một đứa con an ủi lúc mình buồn".

Xuân sẻ chia, Tết yêu thương với học sinh, giáo viên khó khăn - Ảnh 3.

Mong muốn lớn nhất là có một đứa con, cô Kim và gia đình đều nỗ lực. Đã có những hy vọng rồi thất vọng nhưng hành trình tìm con thì vẫn chưa dừng lại dù áp lực về tuổi tác và cả về kinh tế với một người giáo viên vùng cao ngày càng lớn.

Có kinh tế hơn một chút để đỡ khổ hơn không phải chỉ là mong mỏi của riêng cô Kim với nỗi niềm của mình. Với cô Trần Thị Yên, những ngày dạy học cuối năm này cũng là những ngày tất bật lo cho đủ số thuốc trị bệnh của bản thân trong ngày Tết.

"Chi phí thuốc thang thì cũng tương đối. Lương thì 8,2 triệu. Chi phí thuốc men đi lại thì 14 - 15 triệu/tháng nên cũng phải hỗ trợ từ gia đình, anh em bạn bè cũng giúp đỡ" - cô Yên trải lòng.

Xuân sẻ chia, Tết yêu thương với học sinh, giáo viên khó khăn - Ảnh 4.

Hơn 22 năm gắn bó với nghề thì hơn 10 năm cô Yên phát hiện căn bệnh về gan, 5 năm phát hiện thêm bệnh về máu. Sức khỏe yếu, kinh tế khó khăn, sự đồng hành của nhà trường và đồng nghiệp giúp cô bám trụ được với nghề.

Cô Nguyễn Thị Duyên - Hiệu phó trường THPT Hàm Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang - chia sẻ: "Cô Yên thì thường xuyên đi viện, chi phí khám chữa thì cao. Nhà trường cũng nỗ lực phát động giáo viên trong trường ủng hộ. Lúc cô đi khám chữa bệnh thì bố trí, sắp xếp giáo viên trong tổ dạy thay để đảm bảo chất lượng dạy học".

Tết này, như mọi năm, tiền thưởng Tết cao nhất mà cô Kim, cô Duyên có thể nhận là khoảng 1 triệu đồng. Số tiền này chắc chắn không giúp vơi đi khó khăn về kinh tế nhưng cũng chẳng thể làm giảm sự gắn bó với bục giảng của hai tiếng cô thầy.

Xuân sẻ chia, Tết yêu thương với học sinh, giáo viên khó khăn - Ảnh 5.

Chăm lo tết cho học sinh, giáo viên khó khăn

Để đảm bảo cho học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn đón một cái Tết đầm ấm, an vui, nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ Tết đã được chính quyền các cấp cũng như các tổ chức xã hội khẩn trương thực hiện, nhất là trong những ngày cận kề Tết đến Xuân về này.

Xuân sẻ chia, Tết yêu thương với học sinh, giáo viên khó khăn - Ảnh 6.

Với ngành Giáo dục, các cấp công đoàn cũng đẩy mạnh các hoạt động chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhà giáo, người lao động, đặc biệt là ở các địa phương vùng khó, vùng sâu, vùng xa. Như tại tỉnh Tuyên Quang, công đoàn ngành giáo dục đã khảo sát các trường hợp cán bộ, nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, đề nghị Liên đoàn lao động tỉnh hỗ trợ, phối hợp với Liên đoàn lao động các cấp thăm hỏi, tặng quà. Tại các trường học, nhà trường và công đoàn cơ sở chuẩn bị kinh phí, thăm hỏi, tặng quà Tết cho giáo viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tết ấm nơi trường học

Tết ấm cho mọi người và không ai bị bỏ lại phía sau, không chỉ có các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, một không khí Tết yêu thương, Xuân sẻ chia cũng đang ngập tràn ở nhiều trường học trong các hoạt động mừng Xuân khi chỉ còn 10 ngày nữa là bước sang một năm mới. Đó cũng là cách để mỗi mái trường trở thành một mái nhà ấm tình sẻ chia.

Sân trường Phổ thông dân tộc Nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang rực sắc màu và rộn rã nhạc Xuân. Những cô cậu học trò trong các bộ trang phục truyền thống hào hứng với trò chơi dân gian hay thi khâu còn, gói bánh chưng

Xuân sẻ chia, Tết yêu thương với học sinh, giáo viên khó khăn - Ảnh 7.

Mỗi một trò chơi, một một cuộc thi nhỏ trong hoạt động ngày Xuân trở thành cách để những học trò xa nhà về đây học thêm gắn kết trong những phong tục truyền thống của mình và cũng là cách để các em thêm yêu, thêm gắn bó với mái trường.

Không chỉ hòa mình vào các hoạt động vui chơi, các em còn có thêm cơ hội để sẻ chia từ chính hành động nhỏ trong không khí lễ hội đầy hứng khởi ngày Xuân tới. Những chiếc bánh chưng dù chưa được vuông thành sắc cạnh song là tấm lòng của các em hướng về các hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Xuân sẻ chia, Tết yêu thương với học sinh, giáo viên khó khăn - Ảnh 8.

Sau các hoạt động vui chơi, những học sinh của trường Phổ thông dân tộc nội trú sẽ cùng chung mâm trong bữa cơm tất niên để rồi sau cái Tết sum vầy bên gia đình, các em trở lại với trường học ấm tình vẹn nghĩa!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước