Tại sao cần dạy trẻ về tài chính từ sớm?

PV-Thứ tư, ngày 06/07/2022 14:00 GMT+7

VTV.vn - Trong vài năm gần đây, Giáo dục tài chính cũng đã trở thành môn học được đưa vào nội dung chương trình học của nhiều trường tiểu học tại Việt Nam.

Khi nói về vấn đề dạy con cách quản lý tài chính, nhiều cha mẹ quan niệm rằng trẻ con chưa biết gì nên không cần thiết phải chú trọng đến việc giáo dục. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của ĐH Cambridge (Anh), thói quen tài chính của đứa trẻ bắt đầu hình thành khi 7 tuổi. Đây chính là lời nhắc nhở cho cha mẹ hãy xây dựng, vun đắp cho con sự thông minh về tiền bạc ngay từ thời điểm này.

Thực tế, Giáo dục tài chính được đưa vào giảng dạy tại các trường tiểu học ở nước ngoài từ lâu. Vài năm trở lại đây, hơn 140 trường tiểu học của Việt Nam cũng đã đưa nội dung này vào chương trình học.

Tại trường tiểu học Ban Mai, các học sinh được sử dụng những tờ tiền vô cùng đặc biệt cho tiết học về tài chính. Những tờ tiền này đều có mệnh giá khác nhau và có thể quy đổi thành tiền thật. Mỗi một câu trả lời đúng, một bài tập hoàn thành, cô giáo sẽ tặng cho nhóm số tiền tương ứng. Qua phương pháp "học mà chơi – chơi mà học", các bạn nhỏ không chỉ học về tính toán, bản chất của tiền, những khái niệm cơ bản về trao đổi hàng hóa, các loại tiền trên thế giới từ cổ xưa tới ngày nay… mà còn được học cách quản lý chi tiêu, phân bổ nguồn tiền với những bài tập thực hành tại lớp.

Tại sao cần dạy trẻ về tài chính từ sớm? - Ảnh 1.
Tại sao cần dạy trẻ về tài chính từ sớm? - Ảnh 2.

Những tờ tiền đặc biệt cho tiết học về tài chính tại trường tiểu học Ban Mai.

54.000 học sinh và 600 giáo viên ở 140 trường tiểu học tại Hà Nội và Hưng Yên đã được tiếp cận các giáo trình về Tăng cường kỹ năng về quản lý tài chính. Trong thời gian tới, việc giảng dạy các kiến thức tài chính này sẽ được nhân rộng ra toàn quốc. Điều này cho thấy việc chuyển đổi tư duy trong giáo dục toàn diện cho trẻ, đảm bảo phát triển kỹ năng thực tế phục vụ cuộc sống cùng với các kiến thức trong sách vở.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, trẻ em hiện nay đang sống trong một nền kinh tế vô cùng sôi động. Bên cạnh đó, các con còn được truyền cảm hứng về tinh thần doanh nhân, khởi nghiệp, mỗi bạn đều có những cơ hội để tham gia vào thị trường lao động và có thể kiếm tiền từ sớm. Thậm chí, trẻ em hiện nay còn có thể có những suy nghĩ về tự do tài chính cũng như về vấn đề nghỉ hưu sớm. Do đó, trẻ em hiện nay quan tâm rất lớn tới vấn đề tư duy tài chính.

Tại sao cần dạy trẻ về tài chính từ sớm? - Ảnh 3.

Trong khi đó, khi khảo sát về mức độ hiểu biết tài chính toàn cầu, chỉ có 24% người trưởng thành ở Việt Nam có những hiểu biết cần thiết về tư duy tài chính mà thôi. Nghiên cứu của SV ĐHQGHN năm 2015 trên đối tượng học sinh/sinh viên trong độ tuổi từ 13-18 cho thấy chỉ 17,2% các em biết tiết kiệm một phần tiền sinh hoạt phí của mình, 8,8% tiêu hết sạch tiền và số còn lại thì không biết làm gì với tiền. Do đó, việc giáo dục về tài chính sẽ giúp các em biết được cách thức chi tiêu thông minh và sẽ giúp các em an toàn về mặt tài chính tốt hơn.

Phần lớn các bậc phụ huynh hiện nay có thói quen cho con tiền tiêu vặt một cách tùy ý theo mong muốn của trẻ. Đây được xem là thói quen không tốt và cha mẹ nên từ bỏ. Nếu bạn đáp ứng tất cả mọi yêu cầu về tiền bạc của trẻ sẽ khiến trẻ có thói quen ỉ lại, phụ thuộc và không hiểu được giá trị đồng tiền mà cha mẹ vất vả kiếm được.

Tại sao cần dạy trẻ về tài chính từ sớm? - Ảnh 4.

Thực tế, bên cạnh IQ – chỉ số thông minh trí tuệ, EQ - chỉ số cảm xúc - thì còn có một chỉ số quan trọng của thành công, đó là chỉ số FQ - chỉ số thông minh tài chính. FQ hiện được xem là một năng lực cần đối với một công dân của thế kỷ XXI do giới trẻ hiện phải đối mặt với những quyết định về mặt tài chính phức tạp hơn rất nhiều so với người lớn khi trải qua ở lứa tuổi các em.

Chính vì vậy, giáo dục tài chính ngày càng phổ biến trên thế giới. Theo khảo sát của OECD (tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế), có 59 quốc gia đã xây dựng chiến lược quốc gia để giáo dục tài chính, khu vực Đông Nam Á có Singapore và Malaysia đã xây dựng chiến lược này. Đến nay, Việt Nam đã có định hướng rõ ràng về việc đưa giáo dục tài chính vào Chương trình giáo duc phổ thông 2018. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tích hợp giáo dục tài chính vào 6 môn học, gồm: Toán, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Tự nhiên và Xã hội, Công nghệ, Hoạt động trải nghiệm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước