Xây dựng Vành đai 3 và Vành đai 4: Kết nối giao thông liên vùng, tạo không gian tăng trưởng mới

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 07/06/2022 19:41 GMT+7

VTV.vn - Kết nối giao thông liên vùng đang là vấn đề được quan tâm với những dự án công trình giao thông quan trọng, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, chủ trương đầu tư các dự án đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và các dự án công trình đường bộ cao tốc giai đoạn 1: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu vừa được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ ngày 6/6.

Đường Vành đai 3, đi qua TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương tạo thành một vòng tròn, rút ngắn thời gian đi lại trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khi hoàn thiện sẽ tạo hành lang cho đô thị và công nghiệp không chỉ của 4 tỉnh, mà còn tác động lan tỏa ra cả khu vực phía Nam.

Còn đường vành đai 4 Hà Nội đi qua địa phận: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, khi hoàn thành sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường; đồng thời tăng cường khả năng kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Cấp thiết triển khai các đường vành đai kết nối

Tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 khu vực Hà Nội và Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Theo các nhà phân tích, việc sớm triển khai đầu tư xây dựng 2 tuyến vành đai này sẽ tạo ra một trục giao thông mang tính chiến lược, tạo ra những không gian tăng trưởng mới, vì vậy còn được ví như "xung lực" phát triển cho cả vùng.

Nút giao Tân Vạn, tuyến đường huyết mạch chuyên chở hàng hóa từ Bình Dương đi TP Hồ Chí Minh, một trong những điểm Vành đai 3 sẽ đi qua, liên tục trong nhiều năm qua luôn rơi vào tình cảnh ách tắc giao thông. Thời gian giao hàng kéo dài, chi phí nhiên liệu tăng dẫn đến hiệu quả của doanh nghiệp giảm.

Xây dựng Vành đai 3 và Vành đai 4: Kết nối giao thông liên vùng, tạo không gian tăng trưởng mới - Ảnh 1.

Đường Vành đai 3 (đường dọc, đoạn qua tỉnh Bình Dương). (Ảnh: NLĐ)

"Chúng tôi còn bị tăng thêm chi phí tại nhà máy, nghĩa là phải tăng nhân công xếp dỡ hàng một cách nhanh nhất để kịp thời gian tắc nghẽn đường", ông Phạm Văn Xô, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Linker, chia sẻ.

Nhiều năm nay, khu vực TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng các tỉnh vùng kinh tế vệ tinh luôn đối mặt với những điểm nghẽn về giao thông. Ách tắc do di chuyển khiến dư địa đất đai không được khai thác và mất dần động lực phát triển. Người dân bức bối, chính quyền sốt ruột, cả vùng như con tàu mất đà, cần có xung lực mới.

Năm 2021, Thủ tướng chính phủ đã có Quyết định 1454 về triển khai quy hoạch đường bộ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về 2 tuyến Vành đai 3 Hồ Chí Minh và Vành đai 4 khu vực Hà Nội.

"Đường Vành đai 3 mang tính kết nối giữa các khu công nghiệp lớn và tạo ra lượng hàng xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước", ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch doanh nghiệp Hiệp hội Dịch vụ Logistics Việt Nam, cho biết.

"Tăng cường kết nối vùng giữa các tỉnh quanh vùng Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh trong vùng TP Hồ Chí Minh và giảm thiểu chi phí vận tải, logistics, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa", ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, đánh giá.

Vành đai 4 của Hà Nội dự kiến có tổng chiều dài khoảng 112 km, đi qua địa phận Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Dự án được dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Còn tổng chiều dài tuyến Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là 76 km, đi qua địa bàn TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Dự án này được chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập và dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

"Khi xây dựng tuyến đường này, nó không chỉ giảm áp lực về giao thông, mà còn tạo ra hạ tầng đồng bộ, văn minh, hiện đại cho Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, quan trọng hơn nữa là khơi thông nguồn lực, liên kết các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của những tỉnh trong vùng và tạo động lực phát triển", ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khóa XV, nhận định.

Theo dự tính, tổng mức đầu tư phân kỳ của 2 tuyến vành đai này khoảng hơn 160.000 tỷ đồng. Để có nguồn đầu tư này, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài nguồn vốn đầu tư công, phải tính đến nguồn thu từ việc hình thành các quỹ đất mới, các khu đô thị sau khi có những tuyến đường quan trọng này.

Kỳ vọng dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Trong các dự án đường bộ cao tốc, tuyến Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài gần 120 km. Điểm đầu tại cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Điểm cuối thuộc địa phận xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk với tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công và hoàn thành giai đoạn 1 từ năm 2023 - 2026, khi hoàn thành sẽ tạo sức bật cho kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Quốc lộ 26 nối liền 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk. Tuyến đường này có chiều dài hơn 150 km, được đầu tư từ lâu và thực trạng đường hiện nay đã trở nên chật hẹp, không đáp ứng được lưu lượng hoạt động của các phương tiện qua đây.

Hiện Ban chỉ đạo một số công trình, dự án trọng điểm tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức khảo sát, kiểm tra thực tế tại các địa phương của tỉnh có dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi qua, đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan sẵn sàng các phương án giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, các mỏ vật liệu, đất nền… để kịp thời triển khai thi công khi dự án được Quốc hội thông qua.

"Dự án này là tuyến nhánh của cao tốc Bắc - Nam, kết nối với đường Hồ Chí Minh. Nó là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thúc đẩy liên kết vùng, tạo điều kiện giao thương các hàng hóa nông sản chủ lực của Tây Nguyên", ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết.

Với quyết tâm thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, vừa qua Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng quyết định bố trí 50% chi phí giải phóng mặt bằng của dự án, tương ứng khoảng 916 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Yêu cầu cân đối nguồn vốn, đảm bảo tiến độ dự án

Nếu các dự án đường vành đai, cao tốc được Quốc hội thông qua, thì cùng lúc sẽ phải tính nguồn vốn cho hàng loạt dự án mới này. Trong khi đó, dự án đường Hồ Chí Minh đã chậm tiến độ nhiều năm. Do đó, một số đại biểu quốc hội cho rằng, cần phải tập trung bố trí vốn cho các dự án này, nếu không mục tiêu này sẽ khó thực hiện được.

"Trong giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta đang triển khai một loạt dự án lớn, ngoài dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, 5 dự án này, còn đường Hồ Chí Minh. Cùng một lúc triển khai nhiều dự án như vậy, chúng ta có đủ nhân lực, đơn vị thi công để triển khai không thì cũng mong Chính phủ lưu tâm việc này", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, nói.

"Chủ trương rất đúng của Đảng là di dân đi nơi tái định cư mới phải ít nhất bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Trên thực tế, nhiều nơi làm rất đúng, rất tốt, nhưng cũng có một số nơi là chưa phải như vậy. Cho nên trong các dự án này, chúng tôi cũng mong muốn triển khai dự án di dân tái định cư dân, nhất là tuyến đường Tây Nguyên, cần chú ý việc này để thực hiện cho tốt", ông Tô Văn Tám, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, nêu ý kiến.

"Đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả và tranh thủ triệt để các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường cao tốc nói chung, dự án Hồ Chí Minh nói riêng, giai đoạn tiếp theo. Trong đó, tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án; cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương áp dụng hình thức chỉ định thầ", ông Thạch Phước Bình, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, đề xuất.

"Với các dự án thành phần đã hoàn thành cần phải có báo cáo đánh giá về môi trường, xã hội để rút kinh nghiệm cho các dự án sắp tới, để chúng ta xét thấy rằng trong quá trình thực hiện những dự án lớn như vậy, mức độ ảnh hưởng tới xã hội, môi trường tới đâu và có những vấn đề gì chúng ta cần điều chỉnh", ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, nói.

Cần cơ chế đặc thù để xây dựng Vành đai 4

Còn tại Hà Nội, thành phố đang phát triển nhanh, tạo động lực lớn cho các tỉnh xung quanh nên nhu cầu giao thương, vận tải, logistics… rất lớn. Trong khi đó, đường Vành đai 3 hiện đã quá tải. Vì vậy, việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, an toàn trong giai đoạn 2021 - 2025 được cho là phù hợp và vô cùng cần thiết. Để thực hiện được dự án, việc có cơ chế đặc thù cần được xem xét.

Xây dựng Vành đai 3 và Vành đai 4: Kết nối giao thông liên vùng, tạo không gian tăng trưởng mới - Ảnh 2.

Đường trên cao Vành đai 3 của Hà Nội ngày càng ùn tắc nghiêm trọng vào các dịp lễ, Tết. (Ảnh: Dân trí)

Vành đai 4 dài hơn 112 km, có quy mô 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên. Đề xuất dự án được triển khai theo hình thức đối tác công - tư, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, chỉ có đa dạng hóa đầu tư thì dự án lớn mới bảo đảm tiến độ.

"Nguồn lực để giải phóng mặt bằng thì vẫn đề nghị Trung ương hỗ trợ. Còn toàn bộ các đường bên khoảng gần 2.000 tỷ thì Hưng Yên chúng tôi cam kết thực hiện xây dựng đường bên đó để tạo sự đồng bộ giữa phát triển đường cao tốc và các đường bên để phát triển các khu công nghiệp, các khu đô thị", ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, cho biết.

Theo các chuyên gia, Vành đai 4 là cao tốc đô thị, là hạ tầng dùng chung kết nối nhiều khu đô thị của nhiều tỉnh thành, nguồn tiền đầu tư xây dựng rất lớn nên cần phải có cơ chế đặc thù.

"Nó là kiến trúc cảnh quan, nó không phải giao thông đơn thuần. Vì vậy mặt cắt của những tuyến đấy cũng phải để xem xét, vì nó còn đường vành đai, đường gom, đường để đi xuống các khu đô thị khác nữa. Việc lấy đất của vành đai 4 cũng khác các dự án khác, cần phải có cơ chế đặc thùy", ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nhận định..

Cơ chế đặc thù quan trọng nhất với dự án vành đai kết nối nhiều tỉnh, thành chính là phân cấp, phân quyền cho các địa phương, tạo sự chủ động cũng như động lực thực hiện cho các địa phương, giúp "giảm tải" cho Bộ Giao thông Vận tải khi đẩy mạnh đầu tư hệ thống đường cao tốc trên toàn quốc. Đây cũng là áp lực, thách thức lớn cho các địa phương về năng lực điều phối.

Xây dựng Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và Vành đai 4 - vùng Thủ đô: Nỗ lực đột phá hạ tầng giao thông Xây dựng Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và Vành đai 4 - vùng Thủ đô: Nỗ lực đột phá hạ tầng giao thông

VTV.vn - Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông quan trọng cho thấy chiến lược ưu tiên hàng đầu đột phá về hạ tầng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước