Sau sởi, đề phòng tay chân miệng và sốt xuất huyết bùng phát

NT, icon
05:43 ngày 09/05/2014

Bộ Y tế nhận định dịch sởi tại các địa phương đã chững lại và bắt đầu giảm. Tuy nhiên, nhiều dịch bệnh cùng lúc diễn biến phức tạp, đặc biệt là tay chân miệng và sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam.

Bộ Y tế nhận định dịch sởi tại các địa phương đã chững lại và bắt đầu giảm

Tại buổi họp báo về dịch bệnh mùa hè, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lo lắng: bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng cao ở một số tỉnh, tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước đã ghi nhận 18.659 trường hợp mắc tại hầu hết các tỉnh trên cả nước, ghi nhận 2 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu là các tỉnh tại khu vực miền Nam với tác nhân gây bệnh là EV71.

Mặc dù so với cùng kỳ năm 2013, số mắc giảm 21%, số tử vong giảm 5 trường hợp nhưng bệnh tay chân miệng trong năm 2014 vẫn có số mắc cao và tập trung ở khu vực miền Nam với 15.024 trường hợp (chiếm 80,5% số mắc cả nước). Có 5 tỉnh có số mắc tăng cao hơn so với cùng kỳ 2013 là TP.HCM tăng 34,9%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 20,6%, Cà Mau tăng 15,3%, Kon Tum tăng 52,4%.

Bệnh tay chân miệng bắt đầu có xu hướng gia tăng, trong khi đó bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin dự phòng, điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn chưa tốt nên nguy cơ xảy dịch trong thời gian tới nếu không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.

Cùng với đó, bệnh sốt xuất huyết cũng diễn biến hết sức phức tạp. Cần lưu ý muỗi đốt truyền sốt xuất huyết còn được gọi là muỗi nhà mua, chúng đẻ ở môi trường nước trong như: bể nước, chậu hoa, lọ hoa cây sống đời, bát nước để sau tủ lạnh... Bệnh chưa có vắc-xin phòng, có 4 tuýp, các tuýp không có miễn dịch chéo vì thế một người có thể mắc hai tuýp khác nhau, như thế bệnh nặng hơn. Giải quyết sốt xuất huyết khó hơn giai đoạn trước rất nhiều.

‘ Bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp

Trong khi đó, các bệnh như viêm đường hô hấp cấp tính (MERS-CoV) tại khu vực Trung Đông, cúm A(H7N9) tại Trung Quốc, virus bại liệt hoang dại... có nguy cơ xâm nhập vào nước ta.

“Việt Nam cũng có những người học tập, lao động tại Trung Đông; nếu không có biện pháp tốt thì có thể lây nhiễm và mang mầm bệnh vào nước ta. Vì bệnh lây qua đường hô hấp nên có diễn biến phức tạp, dù hiện nay mức độ nguy hiểm của virus này chưa bằng với virus SARS nhưng cũng cần quan tâm. Bộ Y tế cũng đang theo dõi chặt chẽ virus bại liệt hoang dại đang tăng cao ở một số nước. Nếu một ca bệnh được phát hiện tại một nước thì rất nguy hiểm, có thể rất nhiều người mang mầm bệnh mà không có triệu chứng. Việt Nam nếu ghi nhận ca mắc thì là virus bại liệt xâm nhập, đi từ các nước đang có bệnh về” - TS Phu nói.

Cùng chuyên mục