Giải trình về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng

Ngọc Thành-Thứ năm, ngày 18/07/2013 22:52 GMT+7

Phiên giải trình việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước. (Ảnh VGP)

 Sáng 18/7, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã họp phiên giải trình “Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước”.

Theo Thanh tra Chính phủ, tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng với biểu hiện tinh vi phức tạp hơn trong nhiều lĩnh vực. Năm 2009, tổng số tiền tham nhũng bị phát hiện trên 700 tỷ đồng, thu hồi 350 tỷ đồng; năm 2010 phát hiện 193 tỷ đồng, 516 ha đất, thu hồi 56 tỷ đồng, 432 ha đất; năm 2011 thu hồi trên 300 tỷ đồng; năm 2012 lực lượng cảnh sát điều tra đã thu hồi trên 410 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2012, ngành Thanh tra đã phát hiện 89 vụ, 107 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với tổng số tài sản 104 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 2 tập đoàn, 56 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 24 vụ, 42 người, xử lý trách nhiệm 20 người đứng đầu. Nếu như trong 4 năm từ 2008 – 2011, kết quả thu hồi, xử lý sau thanh tra chỉ đạt khoảng 30% thì đến năm ngoái tỷ lệ này đạt trên 50%.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội đã cho rằng tỷ lệ những sai phạm liên quan đến tham nhũng bị xử lý còn quá ít. Có đại biểu đã thẳng thắn bày tỏ sự hoài nghi về báo cáo của Bộ Nội vụ và Bộ Tài nguyên và Môi trường khi cho rằng không có vi phạm cụ thể trong lĩnh vực đất đai và công tác cán bộ.

Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ nói: “Tội tham nhũng rất khó chứng minh hành vi, có những trường hợp khi xét xử không phát hiện hành vi tham nhũng. Chủ thể tham nhũng có trình độ, khả năng che giấu rất khó phát hiện. Trong một thời gian nhất định, sự phối hợp với cơ quan điều tra có hành vi, dấu hiệu mới chuyển được. Rất nhiều vụ việc, trình độ cán bộ không có chuyên sâu. Nghiệp vụ Thanh tra là chính, điều tra không phải thế mạnh. Thẩm quyền của cơ quan thanh tra còn hạn chế, chỉ có quyền phát hiện, kiểm tra làm rõ rồi kiến nghị, chứ không có quyền xử lý khởi tố”.

Cũng trong 4 năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính với số tiền gần 70 nghìn tỷ đồng. Chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra. Còn ngành Tài chính cũng đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 32 nghìn tỷ đồng. Qua công tác kiểm soát chi, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán gần 1.700 tỷ đồng chi ngân sách không đúng chế độ.

Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; công tác phát hiện còn nhiều hạn chế. Để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng các Bộ, ngành địa phương phải khắc phục kẽ hở từ cơ chế xin - cho; quan tâm hơn tới công tác cán bộ, quản lý ngân sách Nhà nước, công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị mình.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước