Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật bảo vệ môi trường

Ngọc Hà-Thứ sáu, ngày 30/05/2014 22:11 GMT+7

Không cho nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để tháo dỡ bởi những hệ quả sẽ tác động tiêu cực tới môi trường - Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị như vậy khi thảo luận về dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào chiều nay (30/5).

Dẫn một số liệu thống kê đáng lo ngại là có khoảng 3 triệu tấn phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam bằng đường chính ngạch mỗi năm, trong đó có nhiều mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm như pin, chì, thiết bị điện tử cũ hỏng. Thêm vào đó là tình trạng nhập khẩu trái phép diễn ra phức tạp, doanh nghiệp nhập khẩu núp dưới nhiều hình thức để nhập khẩu phế liệu dẫn đến khó kiểm soát trên các cảng biển. Từ thực tế này, một số đại biểu có cùng quan điểm cho rằng: Dự thảo luật nên bỏ quy định cho nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng, không thể biến Việt Nam thành bãi rác phế liệ.

Ông Huỳnh Minh Hoàng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Khi phá dỡ một con tàu biển cũ sẽ có 90- 95% nguồn thép phế liệu nhưng để lại một khối chất thải nguy hại là ami ăng cách nhiệt, nước bẩn, đặc biệt ở thân tàu có chứa nhiều oxit chì, thủy ngân, gây hại cho môi trường là nguyên nhân phát sinh bệnh thần kinh và ung thư”.

Bà Lê Thị Công, đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói: “Hoạt động phá dỡ phương tiện vận tải đã qua sử dụng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nước do phá dỡ chất thải nguy hại, chủ yếu là chất thải nhiễm dầu, đe dọa đến nguồn nước xung quanh khu vực tháo dỡ tàu biển”.

Ông Đỗ Văn Vẻ, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chia sẻ: “Hoạt động tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường không khác gì hoạt động nhập khẩu phế liệu. Do đó, cần có những quy định cụ thể hơn và xu hướng kiểm soát nhập khẩu tầu biển đã qua sử dụng để phá dỡ như đã quy định với nhập khẩu phế liệu đã đề xuất”.

Cũng tại phiên họp chiều nay, nhiều đại biểu tán thành với việc cần thiết xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh phải đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác, có như vậy mới tránh được chồng chéo và đảm bảo cho môi trường phát triển bền vững.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước