Công nghiệp thông minh hiểu một cách đơn giản là các dây chuyền sản xuất sẽ không cần tới sự xuất hiện của con người, nó được vận hành hoàn toàn bởi các thiết bị robot có kết nối mạng.
Thực tế, tại nhiều nhà máy của Việt Nam, tự động hóa đang dần thay thế các dây chuyền sản xuất cũ mà lệnh sản xuất cho con người và máy móc đều được truyền qua mạng Wifi.
Tại các nhà máy đã triển khai tự động hóa, việc hoạt động đều được cài đặt theo chương trình có sẵn từ công ty mẹ ở nước ngoài truyền tới.
Máy tự vận hành, tự nghỉ để kiểm tra và khắc phục các lỗi sản xuất nếu có. Thay vì máy móc phụ thuộc vào con người, hiện nay, người lao động trong các dây chuyền tự động hóa sẽ phụ thuộc vào máy móc.
Người lao động trong các phân xưởng tự động hóa sẽ ngày càng ít đi. Với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, vòng đời của các sản phẩm ngày càng ngắn hơn và nhanh chóng bị thay thế bởi các sản phẩm mới. Khi đó, con người phải chuyển sang làm các công việc mang tính sáng tạo vì công việc giản đơn đã có tự động hóa thay thế.
Công nghệ tự động hóa và Internet kết nối vạn vật đang là những ứng dụng chủ đạo để phát triển công nghiệp thông minh. Tuy nhiên không chỉ có vậy, tại hội thảo và triển lãm quốc tế về phát triển công nghiệp thông minh do Ban kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều xu hướng công nghệ mới đã được các tập đoàn lớn trên thế giới đem tới giới thiệu, từ đó, giúp định hình rõ hơn bức tranh toàn cảnh của nền công nghiệp thông minh hiện đại trong khoảng từ 10 - 20 năm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!