Hiện Việt Nam đang bước vào thời kỳ "dân số vàng" với 70% dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 - 19 tuổi). Tại TP.HCM và Hà Nội, nhu cầu nhà ở đang bùng phát, trong khi quỹ đất để phát triển xây dựng nhà, làm đường giao thông và các dịch vụ tiện ích đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2020, các khu vực đô thị trên cả nước ước có hơn 1,7 triệu người gặp khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5 m2/người) và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở với nhu cầu nhà phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng của người dân, năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia. Một trong những mục tiêu chính của chiến lược là đến năm 2020 cần xây dựng thêm ít nhất 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội hướng tới tầng lớp dân cư có mức thu nhập thấp tại các khu vực đô thị; đáp ứng khoảng 80% số sinh viên, học sinh thuộc những trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp dạy nghề; khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở; hỗ trợ khoảng 500.000 hộ gia đình (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở.
Tuy nhiên, trên thực tế kết quả phát triển nhà ở xã hội hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế do một số nguyên nhân như: sự thiếu hụt về nguồn lực tài chính từ ngân sách, rắc rối và kém hấp dẫn trong chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư cũng như sự khác biệt về quan điểm phát triển nhà ở xã hội của các bên liên quan. Một ví dụ điển hình là hiện mới chỉ có khoảng 1.200 khách hàng được vay vốn từ chương trình nhà ở xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!