Tại nhiều thành phố lớn hiện nay như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng ngập lụt đã thường xuyên xảy ra sau những trận mưa lớn hay triều cường. Những nơi ngập sâu, không chỉ gây bất tiện cho người dân sống ở khu vực đó, mà nhiều khi còn đe dọa tới an toàn người đi đường.
Mới đây nhất, thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức áp dụng hệ thống máy bơm "siêu khủng" tại rốn ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh. Điều đặc biệt, hệ thống máy bơm "siêu khủng "có công suất lên tới 96.000 m3/h, gấp hơn khoảng 30 lần so với máy bơm bình thường. Chỉ sau khoảng 20 phút vận hành, máy bơm đã hút sạch nước khu vực ngập sâu 50cm, trả lại đường phố thông thoáng cho người đi đường.
Ngoài giải pháp siêu máy bơm, thành phố Hồ Chí Minh cũng như các thành phố lớn khác đã áp dụng nhiều công nghệ để chống ngập cho thành phố.
Sau trận mưa lớn, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh - nơi được xem là cái rốn ngập của thành phố đã khiến nhiều người bất ngờ. Mặt đường khô ráo chỉ trong chốc lát.
Máy bơm chống ngập thông minh được thiết kế với công suất thiết kế từ 27.000 - 96.000 m3/h. Không chỉ bơm được nước trong điều kiện ngập do mưa hay triều cường, máy bơm này còn bơm được cả nước thải sinh hoạt của người dân. Hiệu quả của siêu máy bơm được thành phố đánh giá cao, ký hợp đồng thuê để chống ngập.
Không chỉ sử dụng máy bơm có công suất lớn, TP.HCM còn ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại cho chống ngập.
Với diện tích hơn 180 m2, hồ điều tiết ngầm chống ngập nằm dưới mặt đất hơn 3m và được lắp ráp bởi các mô đun Cross-wave. Những mảnh ghép này giúp cho nước trong hồ nhanh chóng thấm sâu xuống lòng đất. Bên cạnh đó, hồ điều tiết này còn sử dụng công nghệ khoan ngầm của Mỹ để đưa đường thoát nước vào kết nối với hồ để đưa nước ra ngoài, tạo độ rỗng cho hồ để tiếp tục đón những đợt mưa sau.
Theo các chuyên gia, các mô đun Cross-wave có trọng lượng rất nhẹ, nên dễ dàng lắp đặt và thi công. Chỉ trong vòng 7 ngày công trình đã hoàn thành, mặt đường nhanh chóng được tái lập, không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, hồ điều tiết ngầm chống ngập có thể bố trí phân tán ở khắp nơi bị ngập để rút bớt nước. Hệ thống này rất phù hợp ở các khu vực, như: công viên, trường học, các đường hẻm…vì không bị chiếm diện tích.
Song song với các giải pháp sử dụng máy bơm thông minh và hồ điều tiết, còn có nhiều giải pháp công nghệ khác được ứng dụng, như: công nghệ cống ngăn triều chống ngập, công nghệ đóng cừ nhựa UPVC để ngăn chặn triều cường, ngập úng. Đặc biệt, các giải pháp công nghệ để thông tin ngập lụt đến với người dân tức thời cũng được nghiên cứu.
Giải pháp sử dụng công nghệ chip cảm biến là một ví dụ. Khi trên địa bàn xảy ra các trận mưa, chip cảm biến được gắn ở trạm quan trắc ngập sẽ tự động đưa thông tin về lưu lượng mưa, mực nước trên mặt đường, tình trạng ngập đến hệ thống máy chủ.Thông tin này sẽ được đưa tới người dân kịp thời và là cơ sở để ứng cứu khi ngập nặng xảy ra.
Ngoài ra, giải pháp sử dụng ứng dụng công nghệ UDI Maps trên điện thoại thông minh hệ điều hành Android cũng được đánh giá cao. UDI Maps là ứng dụng cảnh báo ngập nước vừa được đưa lên kho ứng dụng Google Play để giúp người dân nhận được thông tin kịp thời về các điểm ngập nước, tình hình mưa hay triều cường; đồng thời hỗ trợ thông tin để tìm các tuyến đường thay thế, tránh các vị trí ngập khi tham gia giao thông…
Trong khu vực, các quốc gia như Malaysia hay Singapore cũng đã và đang áp dụng những sáng kiến hiệu quả cao trong công tác phòng chống ngập lụt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!