Ứng dụng công nghệ tự động hóa xử lý chất thải y tế

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 27/08/2017 10:57 GMT+7

VTV.vn - Viện Bỏng Quốc gia đã áp dụng hệ thống xử lý nước thải hoàn toàn tự động do Việt Nam nghiên cứu, chế tạo, góp phần giải quyết việc đảm bảo vấn đề môi trường.

Tại các bệnh viện trên toàn quốc, mỗi ngày phát thải khoảng 450 tấn chất thải rắn. Trong đó có khoảng 47 tấn chất thải rắn y tế nguy hại cần phải ứng dụng công nghệ để xử lý trước khi đưa đi chôn lấp. Tổng lượng nước thải y tế từ các bệnh viện khoảng 125.000 m3/ngày/đêm.

Vấn đề xử lý chất thải y tế luôn là mối quan tâm của xã hội bởi nó có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và sức khỏe cư dân sống quanh khu vực bệnh viện nếu không có biện pháp xử lý đúng cách.

Mới đây nhất, Viện Bỏng Quốc gia đã áp dụng hệ thống xử lý nước thải hoàn toàn tự động do chính Việt Nam nghiên cứu, chế tạo, góp phần giải quyết bài toán đảm bảo vấn đề môi trường và an toàn sức khỏe con người.

Không chỉ tự động xử lý nước thải, điểm đặc biệt là hệ thống còn tự động cập nhật tình trạng hoạt động về máy điện thoại thông minh. Do vậy, người quản lý có thể đưa ra quyết định xử lý kịp thời nếu có tình huống phát sinh.

Bảo vệ môi trường, sức khỏe, tiện lợi khi vận hành và nước thải sau khi xử lý có kết quả đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế là những lợi điểm mà công nghệ tự động hóa này đem lại.

Hiện, Viện Bỏng Quốc gia là bệnh viện đầu tiên trên cả nước được nhận nguồn hỗ trợ khoảng 10 tỷ đồng từ Dự án của Bộ Y tế để xây dựng mô hình tự động hóa xử lý nước thải. Còn một số bệnh viện lớn khác có nguồn xả thải trên 1.000 m3/ngày/đêm cũng đã đầu tư hệ thống xử lý quan trắc online.

Trong tổng số lượng rác thải ở bệnh viện hiện nay, khoảng 75 - 90% là nguồn rác thải không hề nguy hại với môi trường, ví dụ như: nguồn rác thải từ việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân và người nhà của họ. Chỉ có khoảng 15% là rác thải nguy hại, lây nhiễm cần áp dụng công nghệ để xử lý. Những nguồn rác thải y tế nguy hại này đang được Công ty môi trường đô thị Hà Nội ứng dụng công nghệ mới để xử lý.

Tại chợ công nghệ chuyên ngành tự động hóa diễn ra mới đây, các chuyên gia cho rằng cùng với xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, y tế là một trong những ngành trọng điểm được chú trọng đầu tư để ứng dụng tự động hóa trong thời gian tới.

Theo Bộ Y tế, hiện mới có khoảng 60% cơ sở y tế có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn. Ngoài ra, mục tiêu Bộ Y tế đặt ra đến năm 2020 là 100% cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế đạt yêu cầu về môi trường. Để thực hiện được mục tiêu này, việc ứng dụng công nghệ tự động hóa là xu thế tất yếu.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước