Đẩy mạnh công tác quản lý chất thải y tế của ngành y tế Hà Nội

Minh Đức, icon
08:00 ngày 03/12/2016

VTV.vn-Tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở y tế Hà Nội là 13.018kg/ngày, trong đó có 11.001kg là chất thải y tế thông thường và 2.017kg là chất thải y tế nguy hại.

Vấn đề xử lý chất thải y tế luôn là mối quan tâm của xã hội bởi có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường nếu không có biện pháp xử lý đúng cách. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2015, lượng chất thải rắn phát sinh của các cơ sở y tế công lập khoảng 11.091kg/ngày, trong đó 9249kg/ngày là chất thải rắn y tế thông thường, 1842kg/ngày là chất thải rắn y tế nguy hại.

Hiện trên địa bàn TP Hà Nội đang có 41 bệnh viện, 14 trung tâm chuyên khoa và 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã với 9540 giường bệnh; Khối y tế ngoài công lập có 32 bệnh viện với 1317 giường bệnh, 2931 phòng khám đa khoa, chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế, tổng giường bệnh của cả công lập và ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội là gần 11.000 giường. Tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở y tế là 13.018kg/ngày, trong đó có 11.001kg/ngày là chất thải y tế thông thường và 2017kg/ngày là chất thải y tế nguy hại. 

Có thể thấy, lượng chất thải y tế thải ra mỗi ngày rất lớn nên yêu cầu ngành y tế cần phải có sự quản lý chặt chẽ, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cả cộng đồng dân cư.

Theo bác sĩ Phạm Văn Đông (bệnh viện Nội tiết TW): "Theo quy định về nguyên tắc chung, việc phân loại rác thải y tế phải được thực hiện càng gần nơi thải ra càng tốt. Chất thải y tế độc hại không được để lẫn vào các chất thải thông thường. Các túi và vật chứa để thu gom chất thải y tế được quy định màu vàng cho các nhóm thuộc chất thải y tế, màu xanh cho chất thải thông thường và màu đen cho chất thải hóa chất, các chất phóng xạ và trị xạ". Cùng theo bác sĩ Đông, nơi chứa chất thải tại các cơ sở y tế phải cách xa an toàn nơi chứa thức ăn hoặc khu vực nấu ăn, phải được khóa để tránh những người không có nhiệm vụ tùy tiện ra vào, phải có thiết bị lau rửa, quần áo bảo hộ và các túi rác hoặc thùng chứa phải được bố trí ở nơi thuận tiện; phải có lối đi cho xe thu gom rác vào được dễ dàng và phải gần nguồn nước để vệ sinh.

Tiếp tục nâng cao khả năng quản lý và xử lý chất thải y tế

Trong giai đoạn 2010 - 2015, thành phố đã đầu tư cho 16 bệnh viện lò đốt chất thải y tế; các cơ sở y tế khác ký hợp đồng thu gom xử lý chất thải y tế với đơn vị đủ điều kiện xử lý chất thải y tế nguy hại. Cùng với đó, thành phố đã xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải lỏng cho 30 bệnh viện, 45 phòng khám đa khoa khu vực; 32 bệnh viện tư nhân đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng trước khi đi vào hoạt động. Với các trạm y tế xã, phường, thị trấn và phòng khám tư nhân xây dựng hệ thống xử lý bằng cloramin B trước khi xả thải ra môi trường.

Hàng năm, Sở Y tế Hà Nội đều có 2 đoàn kiểm tra giám sát công tác quản lý chất thải y tế tại các đơn vị, cùng với đó là các đơn vị tiến hành tự kiểm tra. Qua công tác kiểm tra đã kịp thời phát hiện các tồn tại ở một số đơn vị và đưa ra các biện pháp khắc phục ngay.

Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải rắn y tế của ngành y tế Hà Nội vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Dung - Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội, do 11 bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế trước đây đã xuống cấp nên cần đầu tư sửa chữa. 16 bệnh viện được đầu tư lò đốt chất thải rắn y tế nhưng trong quá trình vận hành lò đốt còn nhiều khó khăn do tiêu tốn nguyên liệu, cần bảo trì thường xuyên. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho công tác quản lý chất thải y tế còn hạn chế, nhiều đơn vị không đủ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước thải, khu lưu giữ chất thải rắn; kinh phí cho vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải; kinh phí mua hóa chất, vật tư làm sạch môi trường, mua sắm trang thiết bị, phương tiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tiêu hủy chất thải rắn y tế tương đối lớn nên các đơn vị gặp nhiều khó khăn.

Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết sẽ rà soát, xây dựng kế hoạch và lập dự toán kinh phí để có lộ trình đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý chất thải rắn cho các cơ sở y tế công lập của ngành. Ngoài ra, ngành y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục