Nhu cầu nhà ở trong các thành phố lớn ngày càng gia tăng, trong khi quỹ đất có hạn. Vì vậy, giải pháp hữu hiệu là xây dựng các khu chung cư, nhà cao tầng. Chỉ trong vài năm gần đây, phân khúc nhà chung cư tăng trưởng rất mạnh. Nếu năm 2015, tại Hà Nội và TP.HCM, mỗi thành phố này có khoảng 10.000 căn hộ chung cư đưa vào sử dụng, thì chỉ 2 năm sau, con số này tăng lên tới 35.000 căn hộ được bàn giao, gấp hơn 3 lần. Tuy nhiên, đi kèm với nó là những thách thức lớn đối với vấn đề đảm bảo an toàn cháy nổ tại các khu chung cư cao tầng, như vụ cháy mới đây nhất tại chung cư Carina (TP.HCM) khiến 13 người thiệt mạng.
Tại TP.HCM có một xe thang chữa cháy có sức vươn cao nhất cả nước, giống với các nước phát triển đang sử dụng, có thể vươn tới độ cao 72m, tương đương khoảng tầng 24. Thế nhưng hiện Việt Nam đã có rất nhiều tòa chung cư siêu cao tầng, độ cao có thể gấp rưỡi hoặc gấp đôi chiều cao vươn tới của xe thang, vì vậy sẽ không thể cứu hộ hay hỗ trợ dập tắt đám cháy ở những tầng cao hơn. Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới khi chữa cháy chung cư cũng phải sử dụng tổng hợp tới nhiều biện pháp, không thể chỉ phụ thuộc vào các xe thang.
Để góp phần khắc phục những tồn tại trong PCCC nhà cao tầng, ứng dụng khoa học công nghệ mới được xem là một phương án khả thi. Tại Việt Nam, lực lượng cảnh sát PCCC đã và đang liên tục nghiên cứu về các ứng dụng này. Sắp tới có thể sẽ có thêm nhiều ứng dụng công nghệ mới được thí điểm, triển khai, góp phần tăng cường năng lực phòng cháy chữa cháy cho các tòa nhà chung cư, cao tầng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!