Tất cả họ đều mang những gương mặt âm nhạc khác nhau. Vũ Thắng Lợi nghiêng về thính phòng, OPlus đậm màu bán cổ điển, Huyền Sambi ấn tượng với cá tính pop trong khi Nguyễn Trần Trung Quân ngả nhiều sang dân gian đương đại.
Lối hẹp
Nếu nhìn vào cá tính âm nhạc của 4 ca sĩ được đề cử năm nay sẽ thấy chỉ mỗi Huyền Sambi là “ăn” thị trường khi chất nhạc của cô ngả nhiều về pop dù đó là một kiểu pop không dễ “lọt” tai ngay lần nghe đầu. Cả 3 nhân vật còn lại đều chọn lối đi khó.
Nguyễn Trần Trung Quân “pop” từ lúc bước ra khỏi Top 4 Sao Mai - Điểm hẹn nhưng phải đến khi anh cùng nhà sản xuất Khắc Hưng cho ra mắt album Khởi hành vào năm ngoái thì lúc ấy Trung Quân mới chính thức xác nhận mình theo ngả electro, một thể loại âm nhạc đang vẫn còn rất kén người nghe ở Việt Nam.
Vũ Thắng Lợi có mới không? Chính xác thì dòng nhạc thính phòng anh theo đuổi không mới nhưng những gì mà Thắng Lợi thể hiện trong album Tình ca phát hành trong 2014 đã vẽ nên chân dung của một ca sĩ trẻ muốn làm mới nhạc đỏ. Chính Vũ Thắng Lợi cùng những ca sĩ đàn anh và cả những chương trình âm nhạc truyền hình như Giai điệu tự hào đã làm nên một năm 2014 đầy sắc đỏ của dòng nhạc tưởng chừng vẫn chỉ “xuôi” âm thầm bên dưới những dòng nhạc thời thượng.
OPlus xuất hiện khi V-pop đang thiếu trầm trọng những nhóm ca. Trong năm 2014, chỉ cần nhìn vào một chương trình như Nhân tố bí ẩn cũng sẽ thấy các mô hình ban, nhóm vẫn còn rất mạnh mẽ nhưng họ chưa có một cơ hội thực tế nào để “trồi” lên được mặt bằng chính thống.
Đặc tính thị trường âm nhạc nào cũng có “kẽ hở” cho sự xuất hiện của những tài năng. OPlus là một trong số ít nắm được cơ hội ấy và đang dần khẳng định mình. Sự nhạt nhòa của các ca sĩ đơn lẻ đang đẩy mô hình nhóm nhạc trở thành có trọng lượng trong 2014. Cũng cần nói thêm, khi công chúng đang phát “ngán” những ca sĩ na ná nhau thì hiện tượng nhóm nhạc tạo cho họ sự thích thú. OPlus ít nhiều khác biệt với những nhóm nhạc khác. Họ chỉn chu, có giọng hát, sạch sẽ và tạo được sự thu hút bằng chất lượng âm nhạc của riêng mình.
Khác biệt
Ngày trước, “Nghệ sĩ mới” là một danh xưng khá “áp lực” với những ai được chỉ định. Nhưng giờ đây những áp lực đó đang bị giảm tải do sự phình to của Internet. Một MV ra đời hoặc một bài hát phát hành online cũng được xem là nghệ sĩ mới và cái tinh thần “mới” đang bị lạm dụng rất nhiều. Và để tìm ra một nghệ sĩ mới thật sự trong thời buổi bão hòa này, là một việc không dễ dàng.
Cả 4 gương mặt được đề cử năm nay đều có những cách tiếp cận công chúng theo nhiều ngả khác nhau cho dù có một điểm chung xuất phát: âm nhạc truyền hình. Truyền hình đưa họ ra ánh sáng nhưng có người lặn lội tới 3 năm mới gần như chính thức xuất hiện (Vũ Thắng Lợi), người mất 2 năm để bỏ đi tất cả những gì đã làm để xây phong cách mới (Nguyễn Trần Trung Quân)… Họ cũng đều không đi theo phương thức tiếp cận truyền thống mà tìm những lối đi mới hơn để giới thiệu mình. Cách thức xuất hiện của đa phần những nghệ sĩ mới này có thể sẽ làm nhiều người quen kiểu truyền thống nghi ngại nhưng đặc tính phát triển của thị trường âm nhạc Việt ngày càng dựa vào truyền hình và điều này góp phần không nhỏ tới sự quan tâm của báo chí và nó càng có ảnh hưởng trong phiếu bầu của họ.
Cả 4 gương mặt kể trên đều có những tố chất khác biệt với đa số còn lại. Ở họ, khi nhìn vào, có thể thấy rõ hơn sự tươi mới trong chất lượng âm nhạc. Nhìn vào họ có thể nhìn thấy những hy vọng cho tương lai. Xét trong trường hợp này thì cả 4 gương mặt trong hạng mục Nghệ sĩ mới của năm đều hoàn toàn xứng đáng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!