Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Mối duyên "tiền kiếp" với Tây Nguyên

Ngọc Minh (Thể thao & Văn hóa)-Thứ năm, ngày 11/06/2015 17:46 GMT+7

VTV.vn - "Thưa ông, tôi nghe nói, tác phẩm của ông đã phá dân ca Ê Đê. Ông nghĩ sao?". NS Nguyễn Cường từng nhận được những câu hỏi khó như vậy.

Chuyện kể rằng trong một buổi giao lưu các nhà báo, ông được mời để đến nói về âm nhạc Tây Nguyên – mảng đề tài sáng tác nổi trội trong sự nghiệp viết ca khúc của ông. Và sau những lời tán tụng, bỗng có một nhà báo hỏi ông rằng: "Thưa ông, tôi nghe nói, tác phẩm của ông đã phá dân ca Ê Đê. Ông nghĩ sao?". Cả hội trường im lặng vì bất ngờ với câu hỏi trên còn nhạc sĩ được hỏi khẳng khái trả lời: "Đúng, những tác phẩm của tôi đang phá dân ca Tây Nguyên. Nhưng cũng xin nói thêm rằng, dân ca Ê Đê mà tôi đang phá cũng đã phá dân ca Ê Đê cách đó trăm năm. Còn dân ca Ê Đê cách đây một trăm năm cũng đã phá dân ca Ê Đê cách đó năm trăm năm rồi".

Vâng, đó mới chỉ là một phần câu chuyện về nhạc sĩ Nguyễn Cường – người mà chưa đặt chân đến nơi thì đã đặt tâm hồn, tâm tưởng của mình ở mảnh đất đầy "duyên tình" Tây Nguyên cách đó hàng chục năm.

Chưa bao giờ ngừng viết về Tây Nguyên

Đó là tháng 7/1965, sau khi tốt nghiệp trung cấp âm nhạc, chuyên ngành violoncell, nhạc sĩ Nguyễn Cường nằm trong nhóm 10 diễn viên được phân công về làm nhạc công Đoàn Ca Múa Tây Nguyên – nơi tập hợp những nghệ nhân Tây Nguyên ra Bắc tập kết. Những nghệ nhân "nòng cốt" và Tây Nguyên thứ thiệt như Kim Nhớ, Y Zơn, những nghệ nhân đến từ các mảnh đất Gia Lai, Ê Đê, M' Nông, Khmer... đã "gieo" vào lòng chàng trai phố hàng Bạc những giai điệu dân ca đầy "mê hoặc".

Chân dung nhạc sĩ Nguyễn Cường.

Chân dung nhạc sĩ Nguyễn Cường.

Lòng thì đã "ở" với Tây Nguyên từ 1965 nhưng phải đến năm 1981, nhạc sĩ Nguyễn Cường mới đặt chân đến đây - ngay sau khi ông tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Sáng tác. Khi đó, "tôi cảm giác đây như là sự hạnh ngộ, là một cái duyên và như là định mệnh, rất lạ" – nhạc sĩ Nguyễn Cường nhớ lại.

Cái lạ là kể từ đó cho đến tận bây giờ, là chưa khi nào ông ngừng viết về Tây Nguyên. Lạ là ông chẳng định viết, cũng không định động đến đề tài này mà sao cứ đặt bút xuống là lại viết về Tây Nguyên. Mà với ông, Tây Nguyên đâu chỉ có mấy tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Tây Nguyên rộng lớn lắm, phải là cả dải Trường Sơn, là Tây Giang, Bến Giằng, vùng đất Ngọc Linh, Trà My... nhiều lắm.

Sau bao nhiêu năm, Tây Nguyên với những đổi thay của thời gian, giờ đây vừa là niềm vui vừa là nỗi buồn của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Niềm vui của đời sống đi lên, nhà cửa khang trang nhưng về văn hóa thì mai một, những lễ hội "nguyên chất" khó tìm thấy.

"Hơn năm trước, tôi có dẫn đoàn nhạc sĩ trẻ trong đó có nhạc sĩ Lê Minh Sơn lên đây đi điền dã. Khi đó Lê Minh Sơn nói với tôi: "Con cũng chịu bố, thế này mà bố cũng viết được".

Còn tôi hiểu, giờ đây, thế hệ sau đặt chân đến mảnh đất này, họ như đến một góc nào của Sài Gòn, muốn có được những đêm chiêng cũng thật khó. Đó là một sự thiệt thòi cho thế hệ trẻ!

Trong khi đó, thời của tôi, ít nhất vẫn có được những đêm tháng 5, mưa xối xả, vào đến nhà sàn, trong ánh đèn mập mờ, những chàng trai, những chén rượu cần và khi đó, tiếng chiêng vang lên như thuộc về chính nơi này. Quả thật, chính không gian ấy đã làm nên một di sản văn hóa thế giới "Không gian văn hóa cồng chiêng".

Nhạc sĩ Nguyễn Cường trong 1 chuyến làm việc tại Tây Nguyên.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường trong 1 chuyến làm việc tại Tây Nguyên.

Và “một giấc mơ gẫy cánh”

Nhưng có lẽ nỗi lòng của nhạc sĩ Nguyễn Cường với âm nhạc không chỉ dành cho riêng Tây Nguyên. Đến lúc này, ông vẫn nhận mình là "một giấc mơ gẫy cánh" bởi khát khao thực sự trong ông chính là phát triển nền khí nhạc Việt Nam. Đây là mảng sáng tác "chìm" trong sự nghiệp của ông với công chúng vì chỉ những ai thực sự quan tâm mới biết, những sáng tác khí nhạc của ông vẫn được đón nhận trong vài buổi hòa nhạc giao lưu quốc tế.

Để có được những tác phẩm hay trong âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Cường không chỉ đi nhiều để trải nghiệm mà ông còn chọn sách là bạn. Trong căn nhà nhỏ xinh ở phố Hàng Bạc, ông dành riêng một không gian cho sách với nhiều tác phẩm hay của các văn hào thế giới như Honoré de Balzac, Victor Hugo, Lev Tolstoy. Ông đọc nhiều và tâm đắc nhất là hai cuốn Kinh dịch và Bát Nhã Tâm Kinh. Bên cạnh đó là Đắc Nhân Tâm – cuốn sách mà ông đã đọc từ rất lâu và mua tặng rất nhiều bạn bè.

"Tôi còn biết Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã in ra vạn cuốn để tặng cho thế hệ trẻ Việt Nam. Đó là sự trăn trở với sự hưng thịnh của đất nước của một người luôn nghĩ về thế hệ trẻ. Rất là hay. Tấm lòng đó, chúng ta nên đón nhận. Nhất là các bạn trẻ trước khi bước vào con đường lập nghiệp”.

“Những cuốn như Nghĩ giàu làm giàu – cuốn sách gối đầu giường của người Mỹ, hiện thực hóa “Giấc mơ Mỹ” cho hàng chục triệu người hay cuốn Không bao giờ là thất bại tất cả là thử thách – câu chuyện về khát vọng Đại Hàn đều là những cuốn sách hay, tạo được sự hưng phấn, tin tưởng ở chính mình, ở thế hệ các bạn trẻ làm giàu cho đất nước và chính mình. Với câu hỏi tự phản biện: "Tại sao đất nước họ làm được, mình không làm được?" được đặt ra khi đọc những cuốn sách này, tôi nghĩ đó là một sự động viên rất lớn dành cho thế hệ trẻ của chúng ta" – nhạc sĩ Nguyễn Cường nhận định.

Còn trở lại với sự nghiệp, với nguồn cảm hứng tuôn trào trong mạch cảm xúc sáng tác của mình: Tây Nguyên, nhạc sĩ Nguyễn Cường tiết lộ tiếp câu chuyện mở đầu: "Họ bảo mình phá âm nhạc Tây Nguyên là đúng. Và mình muốn nói rằng: tôi đã, đang và còn muốn “phá” nữa. Nhưng cái “phá” của tôi được giải thưởng Nhà nước (năm 2007) và được huân chương. Còn điều quan trọng hơn là trong những sáng tác của tôi có những tác phẩm được người dân Tây Nguyên đặt lời các ngôn ngữ dân tộc. Họ coi như dân ca và thậm chí họ còn không gọi đó là tác phẩm của Nguyễn Cường nữa, như: Thênh Thênh Ook Ơi, Hơ Ren lên rẫy... Và tôi cũng mong rằng, thế hệ sau sẽ có những người "phá " tiếp và chắn chắn là sẽ có".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước