NS Lương Minh: Nhạc Việt loạn, không dẹp được đâu

(Theo VTC)-Thứ năm, ngày 03/10/2013 13:08 GMT+7

(Ảnh: ĐL.Nhân Ái)

(VTV News)- Thành viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam, NS Lương Minh nói chấn hưng nền âm nhạc không phải là dẹp loạn vì thực sự không thể dẹp nổi. 

Tham gia diễn đàn Chấn hưng nhạc Việt, nhạc sỹ Lương Minh đã chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở của anh về nền âm nhạc Việt Nam.

Theo anh, âm nhạc Việt Nam hiện nay đang có những vấn đề nào đáng quan tâm?

- Chúng ta phải phân tách và định nghĩa lại quan niệm mới có thể bàn bạc được. Đối với tôi, mọi người đang hết sức sốt ruột về nhạc Việt nhưng đó chỉ là mảng ca khúc giải trí, còn nói về âm nhạc Việt thì rất rộng.

Phần đang bị hỗn loạn chỉ là một mảng rất nhỏ. Ta cần nhận biết nó nằm ở vị trí nào, giá trị của nó trong tổng thể âm nhạc ra sao, tại sao phần lớn hơn kia lại không ảnh hưởng được đến đời sống, lỗi nằm ở đâu?

Nhưng không thể phủ nhận phần nhỏ đó đang có sức ảnh hưởng rất lớn?

- Đó chính là điều nguy hiểm mà nhạc Việt cần chấn hưng. Chấn hưng nền âm nhạc không phải là dẹp loạn vì thực sự không thể dẹp nổi.

Có cầu ắt có cung, nhu cầu là có thật, người ta cần giải trí thì sẽ có đội ngũ nhạc sỹ và ca sỹ sản xuất ra những sản phẩm như thế để bán, nôm na là có thị trường.

Ta nên bắt đầu bằng việc thuyết phục khán giả làm thế nào để lựa chọn mảng lớn mà bị khuất kia hơn là việc dẹp loạn như thế nào.

‘ (Ảnh: Lương Minh's FB)

Và mảng lớn đó là?

- Hàng tháng, dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và dàn nhạc giao hưởng TP.HCM đều tổ chức những đêm diễn nghiêm túc.

Nhiều nơi khác nữa cũng có những hình thức âm nhạc như thế nhưng khán giả không tiếp nhận được. Chính vì thế chúng ta phải hướng dẫn cách thưởng thức âm nhạc cho khán giả.

Việc âm nhạc Pop lấn át tất cả mọi thứ thì ở đâu cũng thế, nhưng quốc tế có cách giải quyết hợp lý. Họ có những chính sách ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ cho âm nhạc chính thống và đưa vào giáo dục cách thưởng thức âm nhạc giao hưởng thính phòng và một số thể loại khác một cách có hệ thống.

Khi lớn lên, khán giả được trang bị thẩm mỹ nhất định nên họ biết lựa chọn cái gì nên nghe hay không.

VTV là đơn vị đang nắm bản quyền của một số chương trình như Bài hát Việt, Bài hát yêu thích nhưng những chương trình đó không thể thắng được âm nhạc giải trí. Vậy VTV có trách nhiệm nào trong chuyện này không?

- VTV đã cố gắng có những chương trình định hướng thông qua bộ lọc gồm những nhạc sỹ, nhà sản xuất, nhà báo có uy tín để đưa ra những sản phẩm sạch sẽ đến với khán giả. Nhưng còn nhiều khán giả không lựa chọn bởi họ thích giải trí đơn thuần.

...do giáo dục

Ai sẽ là người định hướng cho công chúng, thưa anh?

- Nếu chúng ta bắt đầu từ bây giờ thì 10 năm nữa sẽ có một thế hệ khán giả được trang bị đầy đủ về kiến thức âm nhạc, lúc đó những mạch âm nhạc khác mới có thể chảy được.

Truyền thông cũng nên quảng bá cho mảng âm nhạc lớn hơn kia bởi thông tin cho nó rất ít. Những đêm dân ca, hát xẩm, ca trù, dân gian vẫn có nhưng không được tuyên truyền.

Trong khi những thứ còn lại rất hút khách bởi có quần áo, đèn đóm, nhảy nhót và tất cả mọi thứ giải trí nên nó thắng thế là đúng. Chúng ta phải hợp sức cân bằng lại lượng thông tin cho cả hai bên.

Vậy lỗi đầu tiên là do giáo dục?

- Hệ thống giáo dục của ta không đầy đủ, chỉ dạy âm nhạc một cách sơ sài trong khi có bao nhiêu thứ cần biết. Âm nhạc là mảng kiến thức quan trọng nhưng được dạy quá ít nên mới có sự phát triển không cân bằng.

Và biện pháp là?

- Chúng ta cần đưa âm nhạc vào giảng dạy một cách nghiêm túc. Khi tốt nghiệp phổ thông cần có những kiến thức tổng hợp tối thiểu về nghệ thuật.

Khi đó khán giả sẽ biết lựa chọn những gì tốt cho họ. Kể cả thích hay không thích nhưng khán giả cần biết giao hưởng thính phòng là gì, trường phái ấn tượng là gì, Beethoven là ai, Van Gogh là ai.

Khi trưởng thành họ có quyền lựa chọn nhưng lựa chọn đó dựa trên nền tảng kiến thức được trang bị. Đến lúc nào đó, âm nhạc dễ dãi chỉ là thứ thoáng qua mà thôi.

Hội nhạc sỹ không có quyền điều hành đời sống âm nhạc

Với tư cách là thành viên của Hội Nhạc sỹ Việt Nam, anh đánh giá thế nào về vai trò của Hội trong việc định hướng âm nhạc cho quần chúng?

- Hội Nhạc sỹ là một tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp, là nơi những người làm nghề tập hợp với nhau, chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm nghề.

Mọi người không nên nhầm Hội là một cơ quan quản lý bởi Hội không có bất cứ quyền nào để điều hành đời sống âm nhạc hiện nay. Hội chỉ có thể đưa ra những tư vấn cho Bộ VHTTDL và cơ quan chức năng.

Vậy Hội nhạc sỹ có vai trò định hướng quần chúng không, thưa anh?

- Kể từ khi ra đời, trong bất kể tình huống nào, giai đoạn nào thì Hội Nhạc sỹ luôn giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức tuyên truyền bằng âm nhạc và đã góp phần không nhỏ cổ vũ tinh thần nhân dân để vượt qua những giai đoạn khó khăn của đất nước.

Nhưng trên thực tế, những sáng tác của Hội không được nhiều người biết đến?

- Sản phẩm của họ ngày hôm nay có thể dùng cho nhiều năm sau, hoặc rất lâu sau mới được công nhận. Hơn thế nữa, mảng ca khúc chỉ là một mảng nhỏ của Hội.

Hội phải đầu tư nghiên cứu những công trình sản phẩm cao cấp hơn chứ không phải chỉ để viết những bài hát giải trí thông thường.

Nếu mọi người nói giải thưởng của Hội Nhạc sỹ không có giá trị thì là hiểu không đúng, giải thưởng của Hội là sự ghi nhận mang tính nghề nghiệp.

Có rất nhiều ca khúc đoạt giải của Hội đã ra đời sống và được đón nhận. Có điều khán giả không biết bài hát đó đạt giải thưởng của Hội, như những bài hát của nhạc sỹ Từ Huy, Thanh Tùng, Trịnh Công Sơn, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường được giải Vàng nhưng chúng ta không biết vì những bài đó không cần đóng dấu của Hội Nhạc sỹ.

Như vậy, có thể nói Hội nhạc sỹ có phần thất bại trong việc đưa tên tuổi của mình đến với công chúng?

- Đây không phải tiêu chí của Hội. Chúng tôi không cần khuếch trương hay lấy thương hiệu. Vấn đề là làm sao phát triển âm nhạc nhưng không phải là thứ âm nhạc giải trí đơn thuần mà là cần gìn giữ phát triển âm nhạc dân tộc, giao hưởng thính phòng, hay những công trình giảng dạy có chất lượng. Với bề dày truyền thống của mình, Hội nhạc sỹ không cần phải quảng bá tên tuổi.

Nhạc Việt yếu thế?

Các cuộc thi âm nhạc như Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí được rất nhiều người theo dõi và ủng hộ. Việc các thí sinh chọn lựa các ca khúc nước ngoài có là thất bại của âm nhạc Việt, thưa anh?

- Dưới góc độ người làm nghề, tôi cho rằng âm nhạc không có biên giới. Một bản nhạc có thể không hiểu lời vẫn khiến người ta xúc động. Bản nhạc đến từ đâu không quan trọng bằng việc mang lại cảm xúc, và đó mới là vai trò của âm nhạc.

Trong thời buổi thế giới phẳng này không nên băn khoăn quá nhiều về xuất xứ âm nhạc. Ta nên quan tâm việc ca khúc đó có đủ lớn hay không. Ca sỹ nếu tự tin khi hát tiếng Anh thì hãy để họ hát tiếng Anh, quan trọng là họ có mang lại cảm xúc cho khán giả.

Nhưng không thể phủ nhận sự yếu thế của nhạc Việt so với nhạc nước ngoài?- Nền ca khúc của Việt Nam mới có trên 70 năm. Tạm gọi bài Cùng nhau đi hồng binh sáng tác năm 1930 là sản phẩm đầu tiên, nhưng ca khúc được xuất bản lần đầu năm 1938 mới được coi là giấy khai sinh của tân nhạc Việt Nam.

Còn các sáng tác cho thanh nhạc trên thế giới đã có từ vài trăm năm rồi. Rõ ràng tầm vóc tác phẩm của họ lớn hơn rất nhiều.

Như NSND Lê Dung tham dự một cuộc thi quốc tế thì phải hát tác phẩm đủ đẳng cấp quốc tế, và chị đã mang lại vinh quang cho Việt Nam. Có một vài tác phẩm Việt có đẳng cấp nhưng không nhiều.

Vậy nên trong một loạt các cuộc thi như hiện nay, thí sinh luôn muốn chứng tỏ mình vượt trội và khác biệt, trong khi tác phẩm lớn của Việt Nam chỉ có từng đó, lại được các lớp ca sỹ hát đi hát lại quá nhiều rồi.

Sáng tạo là không nên dẫm chân lên người khác nên điều đó rất khó khăn cho thí sinh. Ngay cả vừa rồi, trong chương trình Giọng hát Việt, học trò của đội Hồng Nhung chọn hát những bài hát của thời kỳ trước đây cũng bị chê cũ mặc dù được phối khí và truyền đạt tinh thần mới đấy thôi.

Lớp khán giả mới sau 10 năm nữa

Có là mâu thuẫn không khi người làm nhạc cho rằng gout thẩm mỹ quần chúng đang bị bình dân hoá, trong khi khán giả lại cho rằng họ nghe những gì họ thích mà thôi?

- Không có mâu thuẫn gì bởi khán giả đâu được trang bị thẩm mỹ như ở các nước khác? Nhu cầu âm nhạc lúc nào cũng có nhưng họ chỉ cần nghe âm nhạc giản đơn. Rất nhiều thể loại cần có kiến thức mới nghe được thì họ không thể nghe.

Vậy những gì có thể làm chỉ là chờ đợi 10 năm nữa cho một lớp khán giả được đào tạo bài bản về thẩm mỹ âm nhạc?

- Trước mắt nên tuyên truyền cho những thứ nghiêm túc và đông viên nó, đồng thời giảm lại lượng thông tin về những thứ không cần thiết.

Người làm nhạc và truyền thông cùng bắt tay nhau để làm việc đó sẽ giải quyết được một phần, và lâu dài sẽ đưa giảng dạy âm nhạc vào phổ thông, như thế ngoài biết toán, văn, thì họ vẫn trưởng thành với sự đầy đủ kiến thức về văn hoá cũng như nghệ thuật.

Nhưng cải cách giáo dục không phải nói làm là làm ngay được, thưa anh?

- Nếu không làm thì mãi mãi chúng ta vẫn cứ như thế này. Phải mọc răng mới ăn được thịt, không thì mãi mãi chỉ ăn bột và cháo loãng mà thôi.

Thay đổi giáo dục mất hàng chục năm nhưng không thể không làm. Nếu bắt đầu từ giờ thì 10 năm nữa sẽ có một lớp khán giả rất khác, điều đó cũng thúc đẩy cho những người sáng tạo âm nhạc có những tác phẩm đạt chất lượng hơn.

Xin cảm ơn anh!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước